Thể thao Việt Nam sẵn sàng cho Asiad 19

.

Sau thời gian chuẩn bị, các đội tuyển thể thao Việt Nam đã sẵn sàng tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19). Đấu trường châu lục có sự cạnh tranh cao mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội để các vận động viên khai phá giới hạn của bản thân.

Đội tuyển Olympic Việt Nam là đội tuyển đầu tiên của thể thao Việt Nam sang Trung Quốc dự Asiad 19. Ảnh: VFF
Đội tuyển Olympic Việt Nam là đội tuyển đầu tiên của thể thao Việt Nam sang Trung Quốc dự Asiad 19. Ảnh: VFF

“Heart to Heart, @Future” (từ trái tim tới trái tim, hướng đến tương lai) là khẩu hiệu của Asiad 19 dự kiến tổ chức tháng 9-2022, nhưng dời sang tháng 9 năm nay vì Covid-19. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games và Asiad trong cùng một năm. Xuất sắc dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương ở hai kỳ SEA Games gần nhất, nhưng Asiad là đấu trường đẳng cấp và khốc liệt hơn nên các vận động viên Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ về chuyên môn, hy vọng bước lên tầm cao mới.

Hôm nay (16-9), lễ xuất quân dự Asiad 19 của đoàn thể thao Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (Hà Nội). Đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 19 với 504 thành viên gồm 337 vận động viên, 11 chuyên gia và 90 huấn luyện viên, tham gia tranh tài ở 31/40 môn. Ngoài ra, có 22 lãnh đội và 12 bác sĩ, điều dưỡng phục vụ cho công tác chuẩn bị và thi đấu. Trước ngày xuất quân, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo Cục Thể dục - Thể thao gặp gỡ, động viên các vận động viên, huấn luyện viên nỗ lực tập luyện, thi đấu quyết tâm đạt thành tích cao nhất.

Trong quá trình chuẩn bị chuyên môn cho Asiad 19, từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo các bộ môn thuộc Cục Thể dục - Thể thao thường xuyên làm việc, báo cáo lãnh đạo ngành thể thao rà soát, tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên tập luyện. Dựa vào thực tế chuyên môn, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 2 đến 5 huy chương vàng (HCV). Trong đó, các môn được kỳ vọng gồm: cầu mây, cờ tướng, bắn súng, xe đạp, karate, cử tạ và bắn cung. Các môn gồm: bơi, điền kinh, đua thuyền rowing, đua thuyền canoeing, bóng bàn, cờ vua, quần vợt, thể dục dụng cụ, roller, boxing, taekwondo, vật, wushu, judo, kurash, jujitsu được kỳ vọng tranh huy chương bạc (HCB) hoặc huy chương đồng (HCĐ).

Qua các kỳ Asiad có thể thấy, trình độ của vận động viên Việt Nam và các đoàn thể thao hàng đầu châu Á vẫn còn chênh lệch. Các đoàn thể thao Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước Tây Á như Saudi Arabia, UAE, Qatar… thường chiếm ưu thế trong việc cạnh tranh huy chương. Nếu không có bất ngờ xảy ra, các đoàn thể thao trên nhiều khả năng xếp trong top đầu trên bảng tổng sắp huy chương ở Asiad 19. Nhờ nguồn lực tài chính mạnh, các vận động viên các quốc gia trên được đầu tư bài bản không chỉ cho Asiad, mà hướng đến chinh phục đấu trường thế giới như Olympic.

Nhằm khích lệ tinh thần tập luyện, thi đấu của các vận động viên, Cục Thể dục - Thể thao phối hợp Ủy ban Olympic Việt Nam và các đơn vị liên quan tìm các nguồn tài trợ, xã hội hóa cho quỹ thưởng nóng cùng những hoạt động khác của đoàn thể thao Việt Nam trước giờ lên đường dự Asiad 19. Hiện một số đơn vị, doanh nghiệp đồng ý thưởng cho các vận động viên đạt thành tích cao. Dự kiến, mức thưởng nóng cho vận động viên giành HCV là 200 triệu đồng.

Ngoài ra, theo quy định của Nhà nước dành cho thưởng thành tích theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7-11-2018 Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, vận động viên giành 1 HCV Asiad được thưởng 140 triệu đồng, 1 HCB được thưởng 85 triệu đồng, 1 HCĐ được thưởng 55 triệu đồng và phá 1 kỷ lục được thưởng thêm 55 triệu đồng. Đây là động lực để các vận động viên phấn đấu cạnh tranh huy chương.

Sau lễ xuất quân, ngày 16-9, đội tuyển Olympic Việt Nam là đội tuyển đầu tiên của thể thao Việt Nam lên đường dự Asiad 19. Môn bóng đá nam tại Asiad 19 có 23 đội tuyển tham dự chia làm 6 bảng (5 bảng 4 đội, 1 bảng 3 đội). Đội tuyển Olympic Việt Nam ở bảng B lần lượt gặp Mông Cổ (ngày 19-9), Iran (21-9) và Saudi Arabia (24-9). Trước khi lên đường, HLV Hoàng Anh Tuấn rút gọn danh sách đội tuyển Olympic Việt Nam từ 24 xuống còn 22 cầu thủ theo quy định của ban tổ chức. Hai cầu thủ chia tay đội là thủ thành Đoàn Huy Hoàng và tiền vệ Nguyễn Công Phương đều của Viettel FC. Sau đội tuyển Olympic Việt Nam, các đội tuyển khác lần lượt sang Trung Quốc dựa theo lịch thi đấu.

Tranh tài cùng các vận động viên hàng đầu châu lục là áp lực không nhỏ, nhưng người hâm mộ kỳ vọng các vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam biến áp lực thành động lực, quyết tâm cống hiến hết mình, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.