Vận động viên Đà Nẵng giành huy chương đầu tiên

.

Hôm qua (24-9), tấm huy chương đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) thực sự truyền cảm hứng mạnh mẽ cho vận động viên (VĐV), cũng như khán giá. Trong 4 cô gái đạt huy chương Đồng (HCĐ) Rowing thuộc nội dung đua thuyền 4 nữ, có một VĐV của Đà Nẵng - Phạm Thị Huệ, người đã nhiều lần làm rạng danh thể thao nước nhà.

4 cô gái đã xuất sắc giành HCĐ ở nội dung thuyền 4 nữ môn Rowing. Ảnh: M.M
4 cô gái đã xuất sắc giành HCĐ ở nội dung thuyền 4 nữ môn Rowing. Ảnh: M.M

Tại đấu trường ASIAD, cảm giác chờ đợi tấm huy chương và cảm xúc khi vận động viên chạm tay được vào thành quả rất khó tả. Đơn giản bởi từ SEA Games đến ASIAD là một khoảng cách rất xa. Hay nói cách khác, quá khó để giành huy chương khi ASIAD là nơi hội tụ toàn nhân tài của thể thao châu Á. Vậy nên, ngay sau khi giành HCĐ nội dung chung kết thuyền 4 nữ môn Rowing, 4 cô gái của chúng ta trở thành tâm điểm của báo chí. Còn các “nữ chiến binh” thì bật khóc ngon lành.

Năm nay, sự cạnh tranh rất khó khăn. Các VĐV Việt Nam chủ yếu thi đấu ở nội dung hạng nhẹ, nhưng tại ASIAD 19, nước chủ nhà Trung Quốc lại đưa vào chương trình thi đấu nội dung hạng nặng. VĐV đã quen thi đấu hạng nhẹ nên rất hạn chế về sải tay, sức bền. Tuy vậy, 4 tay chèo của chúng ta gồm Đinh Thị Hảo, Dư Thị Bông, Phạm Thị Huệ, Hà Thị Vui đã nhập cuộc với quyết tâm cùng phong độ tuyệt vời. Họ bám đuổi quyết liệt đội đua Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, ở khoảng 500m cuối, các vận động viên Việt Nam đuối sức, không còn duy trì được thế bám đuổi với đội chủ nhà. Chung cuộc, đội đua chủ nhà Trung Quốc giành huy chương Vàng (HCV), Nhật Bản huy chương Bạc (HCB) còn chúng ta chấp nhận về đích thứ ba, nhận huy chương Đồng.

Thành tích của đội tuyển Việt Nam là 6 phút 52 giây 35. Tấm HCĐ vô cùng quý giá, cũng nhiều tâm trạng nên cả 4 cô gái đều bật khóc vì hạnh phúc. Đội tuyển thuyền 4 nữ năm nay có hai gương mặt lần đầu tiên tham dự ASIAD là Dư Thị Bông và Hà Thị Vui. Riêng Phạm Thị Huệ đây là kỳ ASIAD thứ 4 chị tham gia. Ở tuổi 27, cô hiểu sẽ khó có khả năng dự Đại hội thể thao châu Á lần nữa. Cô chia sẻ: “Dù chúng tôi rất quyết tâm nhưng Trung Quốc và Nhật Bản là hai đối thủ quá mạnh. Chúng tôi mong muốn chiếc huy chương này sẽ là động lực để thi đấu tốt hơn trong thời gian tới. Cô khẳng định nếu còn sức khỏe và đồng đội cùng làm việc tốt thì sẽ còn tiếp tục cống hiến cho đua thuyền và thể thao Việt Nam”.

Với Phạm Thị Huệ, là “chị cả” trong đội tuyển, cô luôn được các em quý trọng ở sự hiền lành, chịu thương chịu khó. Tuy nhiên, khi bước vào các cuộc tranh tài, nữ VĐV của Đà Nẵng luôn xung trận với tinh thần quả cảm, bình tĩnh và đầy bản lĩnh. Chính vì thế, Phạm Thị Huệ trở thành người truyền cảm hứng của đội tuyển Rowing Việt Nam.

Sự nghiệp của Phạm Thị Huệ rất đồ sộ: 1 HCV, 1 HCB tại SEA Games 26 năm 2011, 2 HCB ASIAD năm 2013, 2 HCV SEA Games 28 năm 2015, 1 HCB tại SEA Games 30 năm 2019, 2 lần giành vé đến Olympic, 3 tấm HCV tại SEA Games 31. Tiếc rằng tại SEA Games 32, Ban tổ chức đã không đưa Rowing vào thi đấu nên Huệ không có cơ hội gặt huy chương.

Tại Á vận hội Jakarta 2018, chính nhóm VĐV nội dung thuyền nữ 4 người cũng đã mang về tấm huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam. Câu chuyện về sự phát triển của Rowing Việt Nam cũng rất thú vị. Đó là SEA Games 22 (năm 2003), nơi Việt Nam đăng cai tổ chức, đội tuyển Rowing Việt Nam mới được đầu tư.

Phải 7 năm sau, ASIAD năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Việt Nam mới tạo dấu ấn khi bất ngờ giành 2 HCB. Bốn năm tiếp theo tại Incheon (Hàn Quốc), các tay chèo Rowing Việt Nam cho thấy thành tích họ đạt được không hề may mắn. Đội tuyển có 1 HCB và 2 HCĐ. Qua 3 kỳ ASIAD gần nhất, Rowing đã mang về 7 huy chương các loại (1 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ) cho thể thao Việt Nam.

Thành tích của Rowing Việt Nam tại đấu trường ASIAD càng đáng quý hơn khi đây là môn thể thao rất khó phát triển. Mỗi kỳ ASIAD thường có 45-50 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á tham dự, nhưng chưa đầy một nửa trong số đó mang theo đội tuyển Rowing. Giành huy chương Rowing tại ASIAD là điều rất khó. Nói thế để thấy những nỗ lực tuyệt vời của các cô gái chúng ta.

Trần Hồ Duy giành HCĐ Taekwondo
Ở nội dung quyền cá nhân nam Taekwondo, Trần Hồ Duy vào bán kết gặp đối thủ Hàn Quốc là Kang Wanjin. Không có bất ngờ xảy ra sau bài biểu diễn khi người được trọng tài chấm điểm cao nhất là Kang Wanjin với điểm trung bình là 7.410. Trần Hồ Duy chỉ có điểm trung bình là 7.120 nên chấp nhận thua cuộc, dừng bước tại bán kết. Theo quy định của nội dung thi đấu, VĐV thua tại bán kết sẽ được trao HCĐ mà không phải dự trận tranh hạng Ba.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.