Bế mạc ASIAD 19: Nhiều câu hỏi cho ngành thể thao

.

Sau 15 ngày tranh tài quyết liệt, tối qua (8-10), ASIAD 19 đã khép lại. Nhìn chung, bức tranh thể thao châu Á không có nhiều thay đổi lớn. Với  thể thao Việt Nam, cần phải đối diện thất bại và tìm ra những nguyên nhân khiến chúng ta xếp thứ 6 Đông Nam Á?

Với 3 tấm HCV đạt được, đoàn Thể thao Việt Nam kém ASIAD kỳ trước 2 HCV.  Ảnh: M.M
Với 3 tấm HCV đạt được, đoàn Thể thao Việt Nam kém ASIAD kỳ trước 2 HCV. Ảnh: M.M

Trung Quốc thắng lợi kép

Trước hết, phải ngợi khen chủ nhà Trung Quốc đã tổ chức một kỳ ASIAD làm “hài lòng tất cả người xem”.  Với 28 môn cốt lõi của Olympic và bổ sung 12 môn có tính đặc thù (đã và sẽ là các môn Olympic), ASIAD đã được Trung Quốc làm tốt 2 mục tiêu: đưa thể thao châu Á tiếp cận với thế giới, nhất là khi Olympic Paris 2024 cận kề; khiến người châu Á tự hào về bản sắc của mình.

Trung Quốc đã chinh phục một cột mốc mới: 201 HCV với vô số kỷ lục phá vỡ, 111 HCB và 71 HCĐ. Thể thao Trung Quốc thành công không chỉ do họ là chủ nhà ASIAD 19. Nên nhớ tại Olympic Tokyo 2020, Trung Quốc xếp thứ 2 với 38 HCV, chỉ kém Mỹ 1 HCV.

Lần lượt xếp hạng 2 và 3 ASIAD 19 là Nhật Bản (52 HCV) cùng Hàn Quốc (42 HCV). Chất lượng những tấm huy chương của hai quốc gia này khá cao. Nhật Bản cho thấy phong độ lẫn đẳng cấp ổn định. Đặc biệt môn bóng đá nữ họ không có đối thủ khi lần thứ 2 liên tiếp vô địch. Cũng ở Olympic Tokyo 2020, thể thao đất nước mặt trời mọc xếp thứ 3 toàn đoàn. Bóng đá nam Hàn Quốc còn “kinh điển” hơn khi đã hạ gục Olympic Nhật Bản để lần thứ 3 liên tiếp vô địch.

ASIAD 19 cũng có một bất ngờ thú vị khi thể thao Ấn Độ trỗi dậy mạnh mẽ. Tại Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao đất nước tỷ dân này chỉ có 7 huy chương và giành vỏn vẹn 1 HCV, tức là chỉ xếp ngang với Thái Lan hay Philippines. Vậy mà tại Hàng Châu năm nay, Ấn Độ chạm mốc 107 huy chương, trong đó có 28 HCV và đứng hạng 4 toàn đoàn. Đây là lần đầu tiên từ năm 1962, thể thao Ấn Độ lọt vào tốp 4 châu Á. Sự tiến bộ quá nhanh của Ấn Độ khiến mọi người có thể hình dung đến ngày không xa, bản đồ quyền lực của thể thao châu Á sẽ được vẽ lại, nhất là lợi thế dân số cùng nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới.

Thể thao Việt Nam cần một “Hội nghị Diên hồng”

Riêng khu vực Đông Nam Á, Thái Lan dẫn đầu với 12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ. Xếp thứ nhì là Indonesia 7 HCV, 11 HCB, 18 HCĐ. Thứ ba là Malaysia 6 HCV, 8 HCB, 18 HCĐ, thứ tư thuộc về Philippines với 4 HCV, 2 HCB, 12 HCĐ, Singapore thứ năm Đông Nam Á với 3 HCV, 6 HCB,7 HCĐ. Việt Nam với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ xếp thứ 21 toàn đại hội và thứ 6 Đông Nam Á. Rõ ràng. Chỉ có đoàn thể thao chúng ta giẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi (ASIAD kỳ trước giành 5 HCV). Thành công vượt bậc của Thái Lan còn ở chỗ đã “phát sinh” những tấm huy chương, nhất là HCV ngoài kế hoạch, như 3 tấm HCV ở thuyền buồm, 2 HCV ở Golf (cá nhân nữ và đồng đội nữ), cùng 1 HCV ở thể thao điện tử. Tương tự là Singapore và Malaysia. Trong đó, chiếc HCV lịch sử điền kinh 200m nữ của Singapore đáng tự hào do nữ VĐV nước rút Shanti Pereira mang về với thông số 20”03. Thành tích này cũng giúp cô gái 27 tuổi có vé dự Olympic Paris. Philippines cũng có những tấm HCV không nằm trong kế hoạch đó là hai HCV võ Ju Jitsu của hai hạng cân nữ là Ochoa Margarita (48kg) và Ramirez Annie (57kg). Đặc biệt, tấm HCV bóng rổ nam tại ASIAD 19 đã chấm dứt cơn khát 61 năm họ không vô địch ASIAD.

Với thể thao Việt Nam, rất nhiều môn trắng tay như bóng đá, điền kinh, cử tạ, judo, xe đạp, bóng bàn, đấu kiếm, quần vợt, soft tennis…để rồi phải xếp thứ 6 Đông Nam Á là kết quả đáng báo động. Cũng đừng quên Olympic Tokyo 2020 đánh dấu kỳ Thế vận hội đầu tiên mà Việt Nam không thể giành huy chương nào kể từ năm 2004. Tại Nhật Bản, đoàn Việt Nam có tổng cộng 18 VĐV tranh tài ở 11 môn thể thao nhưng lại không thể một lần được hát quốc ca.

Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành thể thao cần tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng” để tìm ra hướng đi sáng sủa cho nền thể thao nước nhà.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.