Trong 6 tháng qua, HLV Philippe Troussier đã gọi rất nhiều cầu thủ trẻ và trao cơ hội ở nhiều cấp độ khác nhau. Tất cả những thử nghiệm có thể sẽ khép lại ở vòng loại World Cup 2026, diễn ra vào tháng 11 tới. Bởi, giải đấu này không thành công, ngay cả ghế HLV trưởng của ông Troussier cũng lung lay.
Rất ít cầu thủ trẻ đáp ứng được kỳ vọng khi lên đội tuyển quốc gia như tiền đạo Khuất Văn Khang (trái). Ảnh: M.M |
Lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và người hâm mộ gần như xác định, sứ mệnh của HLV Troussier là đưa bóng đá Việt Nam hướng đến thành tích lớn, giành vé dự World Cup hay chí ít phải bằng được thành tích người tiền nhiệm - HLV Park Hang-seo.
Cho đến thời điểm này, “phù thủy trắng” không thể giúp bóng đá Việt Nam bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games 32. U23 giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á 2024 sau 3 trận đấu ở bảng quá nhẹ, rất nhiều HLV khác, thậm chí thầy nội, có thể thực hiện được. Nói thế bởi xem U23 đá vòng loại và trước đó là SEA Games 32 người hâm mộ không thấy được sự tươi mới, thậm chí yếu hơn thời ông Park còn dẫn dắt.
Ở cấp độ đội tuyển Việt Nam cũng đã để thua cả 3 trận giao hữu gần đây, không có bàn thắng, để thủng lưới tới 10 bàn. Kết quả đó khiến mọi người không khỏi lo ngại trước thềm vòng loại World Cup 2026.
Dư luận rất kiên nhẫn và thông cảm cho HLV Troussier trong bối cảnh nhận việc mà chất lượng cầu thủ không xuất sắc như thời HLV Park Hang-seo. Sự chia sẻ còn ở triết lý kiểm soát bóng của HLV người Pháp mới ở giai đoạn thử nghiệm. Ông Troussier yêu cầu các học trò phải chuyển đổi lối chơi thay vì phòng ngự phản công, chờ cơ hội như trước đây bằng lối đá kiểm soát bóng, chuyền bóng liên tục và từ đó triển khai tấn công theo ý đồ. Phải ghi nhận, triết lý kiểm soát bóng mà HLV Troussier đang áp dụng là tiên tiến. Một đội bóng muốn chiến thắng là phải làm chủ được quả bóng để áp đặt cuộc chơi. Ý tưởng của HLV Troussier rất tốt, nhưng cần nhiều yếu tố tương hỗ, cần nhiều cầu thủ trình độ rất cao.
Minh chứng rõ nhất thể hiện trong 6 trận giao hữu dưới thời HLV Troussier. Tuyển Việt Nam có những khởi đầu khá hoàn hảo với 3 trận toàn thắng trước Hồng Kông (Trung Quốc), Syria và Palestine mà không thủng lưới bàn nào. Tuy nhiên, khi tăng dần độ khó trước Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc, lối chơi kiểm soát bóng của chúng ta hoàn toàn bị phá sản.
Triết lý kiểm soát bóng được áp dụng triệt để đến cả đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn. Kết quả ra đấu trường ASIAD 19, chúng ta không thể gây khó khăn trước các đối thủ mạnh như Saudi Arabia và Iran.
Đến đây, nhiều người hẳn đồng ý quan điểm: sự phát triển của nền bóng đá cần sự kế thừa những thành tựu, chính sách, triết lý…, của người đi trước. Bóng đá Việt Nam đã phải trả giá bởi thuê quá nhiều HLV ngoại, nhưng cuối cùng không thể xây dựng thành công một lối chơi, triết lý đặc sắc, cho đến khi HLV Park Hàng-seo cầm quân. Khi đã xác định chất lượng cầu thủ Việt Nam hiện nay không cao, thì việc HLV Troussier quá cứng nhắc áp đặt học trò phải chơi theo triết lý kiểm soát bóng với tất cả các đối thủ, là rất đáng cân nhắc. Xây dựng triết lý cho riêng mình cần phải căn cứ vào trình độ cầu thủ, tức “có bột mới gột nên hồ”.
Cho nên, không nên xem nhẹ lối đá phòng ngự - phản công của HLV Park Hang-seo, là lý do khiến bóng đá Việt Nam không thể vượt giới hạn với lối chơi này. Cũng chẳng có gì xấu hổ nếu như trong nhiều trận đấu gặp đối thủ mạnh, HLV người Pháp cho học trò đá theo phong cách ông Park. Thời gian sẽ trả lời nhưng rất có thể, vòng loại World Cup 2026, HLV Troussier phải sử dụng cơ bản bộ khung của người tiền nhiệm là Đặng Văn Lâm, Việt Anh, Ngọc Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Tấn Tài, Tuấn Anh, Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tuấn Hải, Quang Hải và Tiến Linh. Họ là tinh hoa của nền bóng đá, nhưng có vẻ vẫn chưa sẵn sàng (hoặc chưa thích nghi) với triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier. Thế mới đáng lo!
MỘC MIÊN