Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023 vừa khép lại thành công. Với những tín hiệu tích cực, giải hứa hẹn ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn trong tương lai.
Giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023 vừa khép lại thành công sau thời gian diễn ra sôi nổi, hấp dẫn. Ảnh: P.N |
Tại giải năm nay, đội bóng chuyền nam Sanest Khánh Hòa có màn trình diễn ấn tượng, trải qua chuỗi trận toàn thắng trước khi đăng quang ở nội dung dành cho nam. Ở vòng 1 và vòng 2 (vòng bảng), đội bóng phố biển thắng 8 trận trước Thể Công, Hà Tĩnh, Lavie Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có đến 24 ván thắng và chỉ để thua 7 ván. Đến vòng chung kết, Sanest Khánh Hòa lần lượt vượt qua Đà Nẵng 3-0 tại tứ kết, sau đó đánh bại Hà Tĩnh 3-0 ở bán kết và giành chiến thắng 3-0 trước Biên phòng tại chung kết để lên ngôi vô địch. Ở nội dung dành cho nữ, sau 2 năm kể từ khi tiếp nhận suất tham dự giải vô địch quốc gia của đội Truyền hình Vĩnh Long (2021), đội bóng chuyền nữ Ninh Bình có lần đầu tiên giành chức vô địch.
Diễn ra từ tháng 3 đến tháng 11, trải qua 3 vòng đấu, giải để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Điều tạo nên hứng khởi nhất tại giải đấu năm nay là sức hút ở các gương mặt ngoại binh. Việc 17 đội bóng thuê 21 cầu thủ ngoại đăng ký dự vòng 2 giải vô địch quốc gia đã phản ánh quyết tâm về chuyên môn và sự cạnh tranh quyết liệt tại giải. 3 đội không đăng ký ngoại binh là nam Bình Dương, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên, không phải ngoại binh nào cũng thành công. Điển hình có cầu thủ Caroline Livingston (Kinh Bắc Bắc Ninh) bị thanh lý hợp đồng chỉ sau 1 trận thi đấu. Bù lại, nhiều cầu thủ trở thành mũi đánh quan trọng mang về thành tích đáng kể cho đội của mình như: Polina (Hóa chất Đức Giang tia sáng), Odina (VTV Bình Điền Long An), Darin (Ninh Bình) hay Evandro Dias Souza (Sanest Khánh Hòa), Jakkrit Thanomnoi (Biên phòng), Kittithad Nuwaddee (Thể Công-Tân Cảng).
Kết thúc giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2023 với nhiều trận đấu hấp dẫn, người hâm mộ chờ đợi những thay đổi tích cực để mùa giải mới chuyên nghiệp hơn. Năm 2024, giải còn 9 đội nam, 9 đội nữ góp mặt, lịch thi đấu cũng thay đổi. Đề xuất tách thời gian giải nam và nữ không trùng nhau như hiện nay để người hâm mộ lẫn khán giả xem truyền hình được tận hưởng trọn vẹn các trận đấu được đưa ra. Việc tổ chức ngày càng chuyên nghiệp sẽ giúp các đội đầu tư mạnh hơn, nâng chất lượng nội binh lẫn ngoại binh để giải đấu thêm phần hấp dẫn. Có hai yếu tố tác động trực tiếp tới số khán giả đến sân theo dõi là lịch tổ chức thi đấu phải hợp lý và thói quen xem bóng chuyền của người dân tại địa điểm đăng cai.
Với đội tuyển bóng chuyền nam Đà Nẵng, dù không gây ra bất ngờ trước nhà vô địch Sanest Khánh Hòa ở vòng chung kết nhưng việc trụ hạng thành công cùng tấm vé dự mùa giải năm sau là thành công. Theo HLV Lê Nho Thạnh, mùa giải đầu tiên dự hạng đấu cao nhất quốc gia giúp đội rút ra những kinh nghiệm bổ ích. Ban huấn luyện và từng thành viên đội sẽ nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải tiếp theo.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp bóng chuyền phát triển bền vững là sự đồng hành của nhà tài trợ. Tại vòng 2 giải đấu năm nay, việc đội bóng chuyền nam Đà Nẵng bổ sung ngoại binh Thaweerat Thanathat đến từ Thái Lan cho thấy sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa. Theo Phó Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao, sau khi thăng hạng, bóng chuyền Đà Nẵng được tạo điều kiện tốt nhất để tập huấn ở các tỉnh, thành như: Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội. Tại vòng 2, đội cũng kêu gọi được sự ủng hộ của một số đơn vị. Trong tương lai, thành phố sẽ tìm thêm những nhà tài trợ để bảo đảm nguồn lực cho đội duy trì, phát triển.
PHI NÔNG