Khẳng định vị thế của Vovinam Việt Nam

.

Hơn 85 năm hình thành và phát triển, phong trào tập luyện và thi đấu Vovinam lan tỏa khắp thế giới. Tuy nhiên, Vovinam Việt Nam vẫn khẳng định vị thế, giành nhiều thành tích xuất sắc tại các giải vô địch thế giới.

Tại Đà Nẵng, Vovinam thu hút đông đảo vận động viên từ nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện, thi đấu. Ảnh: P.N
Tại Đà Nẵng, Vovinam thu hút đông đảo vận động viên từ nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện, thi đấu. Ảnh: P.N

Vovinam là môn võ truyền thống của Việt Nam, do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập năm 1938, gồm hai phần: võ thuật Việt Nam (Việt võ thuật) và võ đạo Việt Nam (Việt võ đạo). Nhằm tạo điều kiện cho các môn sinh Vovinam trên thế giới có điều kiện giao lưu, cọ xát, từ ngày 25 đến 30-11, Liên đoàn Vovinam thế giới tổ chức giải vô địch Vovinam thế giới lần 7 năm 2023 tại nhà thi đấu Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh).

Giải có sự tham dự của hơn 650 quan chức, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ có phong trào Vovinam phát triển thuộc 4 châu lục gồm: châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Úc. Đây là giải có số lượng quốc gia và VĐV tham dự đông nhất trong lịch sử tổ chức giải vô địch Vovinam thế giới kể từ khi thành lập. Các VĐV tranh tài ở 44 bộ huy chương, trong đó có 26 nội dung quyền và 18 hạng cân thi đấu đối kháng.

Qua 4 ngày tranh tài, Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương khi giành 17 huy chương Vàng (HCV). Các VĐV giành HCV cho Việt Nam gồm: Nguyễn Hữu Toàn (đối kháng hạng 92kg); Phạm Thị Kiều Giang (hạng 54kg); Ma Thị Hồng Nhung (hạng 63kg); Bùi Xuân Nhật (hạng 68kg); Lê Ngọc Vĩnh Trường (hạng 60kg); Nguyễn Tiến Sơn (hạng 72kg nam); Lê Thị Hiền (hạng 57kg nữ); Nguyễn Đạt Duy Long (hạng 54kg nam); Lê Nguyễn Hoài Nam (hạng 57kg nam); Bùi Thị Thảo Ngân (hạng 66kg nữ); Nguyễn Tứ Cường (ngũ môn quyền); Nguyễn Thị Ngọc Trâm (long hổ quyền), Lâm Thị Lời và Nguyễn Thị Tuyết Mai (song luyện kiếm đôi nữ); Mai Thị Kim Thùy (tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp nữ); Nguyễn Hòa Ân, Vũ Duy Bảo, Phan Tấn Thành, Võ Trọng Nhân (biểu diễn đòn chân tấn công nam); Huỳnh Khắc Nguyên (nhật nguyệt đại đao pháp nam); Vương Minh Khang (thập thế bát thức quyền nam). Với kết quả trên, Việt Nam có nhiều cơ hội kết thúc giải với vị trí Nhất toàn đoàn.

2023 là năm đặc biệt với Vovinam khi chào mừng các sự kiện gồm: kỷ niệm 111 năm ngày sinh của cố võ sư Nguyễn Lộc, kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái và chào mừng Đại hội Đại biểu Liên đoàn Vovinam thế giới nhiệm kỳ 3 (2023 - 2027) thành công. Đặc biệt, Vovinam vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở hướng tới đưa Vovinam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Hiện Vovinam có mặt tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có 35 quốc gia, vùng lãnh thổ cử đoàn tham gia giải vô địch Vovinam thế giới năm 2023.

Những năm qua, các địa phương trên cả nước nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của phong trào Vovinam. Tại Đà Nẵng, môn thể thao này thu hút đông đảo VĐV từ nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện, thi đấu. Nhằm tạo điều kiện cho các VĐV giao lưu, cọ xát, phát triển chuyên môn, ngành thể thao thành phố thường xuyên tổ chức các giải đấu, từng bước lan tỏa sâu rộng phong trào tập luyện Vovinam trong cộng đồng. Mới đây, thành phố tổ chức thành công giải Vovinam trẻ và vô địch các câu lạc bộ thành phố năm 2023, thu hút sự tham dự của 154 võ sĩ đến từ 15 câu lạc bộ Vovinam. 

Theo ông Trần Công Tự, Giám đốc Trung tâm Thể dục - Thể thao thành phố, nhờ sự quan tâm, đầu tư của các đơn vị, địa phương, phong trào Vovinam trên địa bàn thành phố từng bước phát  triển. Không chỉ ở trung tâm thành phố, các xã vùng xa của huyện Hòa Vang cũng có các câu lạc bộ Vovinam hoạt động hiệu quả và trở thành sân chơi bổ ích cho các thanh, thiếu niên. Hằng năm, trung tâm tạo điều kiện cho các VĐV tham gia thi đấu; phát hiện, tuyển chọn VĐV năng khiếu bổ sung vào đội tuyển thể thao thành tích cao thành phố. Hy vọng, trong tương lai, thành phố có những VĐV Vovinam xuất sắc, thi đấu đạt kết quả tốt tại giải vô địch quốc tế.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.