Hôm nay (22-12), hai tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam là Đoàn Thị Lâm Oanh và Hoàng Thị Kiều Trinh lên đường sang Thái Lan đầu quân cho CLB Supreme Chonburi-E.Tech tranh tài ở giai đoạn 2 giải bóng chuyền nữ vô địch Thái Lan. Đây là tín hiệu vui cho bóng chuyền nữ Việt Nam trên hành trình chinh phục những cột mốc thành tích mới.
Nhiều cầu thủ xuất ngoại là tín hiệu vui với đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trên hành trình vươn tầm. Ảnh: VFV |
Xuất ngoại là giấc mơ của nhiều vận động viên (VĐV) Việt Nam. Với Lâm Oanh và Kiều Trinh, đây là bước tiến mới, cột mốc lịch sử trong sự nghiệp theo đuổi bóng chuyền chuyên nghiệp. Kiều Trinh là chủ công, Lâm Oanh là chuyền hai của CLB Binh chủng Thông tin - Trường Tươi Bình Phước. Ngoài ra, hai VĐV này là thành viên quan trọng ở đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Chuẩn bị cho vòng 2 giải vô địch quốc gia 2023, CLB Binh chủng Thông tin - Trường Tươi Bình Phước sang Thái Lan tập huấn. Thông qua các mối quan hệ, CLB Supreme Chonburi-E.Tec tạo điều kiện thuận lợi cho CLB của Việt Nam, kể cả sử dụng cơ sở vật chất hiện đại trong giai đoạn tập huấn. Quan sát quá trình tập luyện và thi đấu ấn tượng, CLB Supreme Chonburi-E.Tec ký hợp đồng với Kiều Trinh và Lâm Oanh. Hai VĐV này khoác áo CLB Thái Lan tại giai đoạn 2 giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia, diễn ra từ ngày 23-12-2023 đến 28-1-2024.
Giấc mơ xuất ngoại của Lâm Oanh và Kiều Trinh thành sự thật mang đến niềm vui cho người hâm mộ. Cầu thủ bóng chuyền nói riêng, VĐV thể thao Việt Nam nói chung khi ra nước ngoài thi đấu sẽ mang lại “lợi ích kép”. Bản thân VĐV được thi đấu ở đẳng cấp cao, được cọ xát để nâng cao trình độ, còn cầu thủ trong nước phải nỗ lực để tiến bộ, sẵn sàng gánh vác trọng trách mà thế hệ đi trước để lại. Hiện bóng chuyền nữ Việt Nam có một cầu thủ thi đấu thành công ở nước ngoài là Trần Thị Thanh Thúy. Cô thi đấu cho CLB PFU Bluecats (Nhật Bản) và để lại những dấu ấn. Việc được tích lũy chuyên môn ở môi trường chất lượng giúp Thanh Thúy phát huy thế mạnh. Trở về thi đấu cho đội tuyển quốc gia, tay đập này cũng cho thấy vai trò không thể thay thế.
Trong quá khứ, một số VĐV bóng chuyền hàng đầu của Việt Nam xuất ngoại và khẳng định được tài năng tại Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản như: Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Kim Liên, Đỗ Thị Minh (Bộ Tư lệnh Thông tin), Đinh Thị Trà Giang, Trần Thị Bích Thủy (Hà Nội). Trong đó, phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa là người thành công nhất. Cô từng thi đấu cho các CLB Ayutthaya A.T.C.C và Bangkok Glass của Thái Lan. Thành tích ấn tượng nhất của Ngọc Hoa là 2 lần vô địch cùng CLB Bangkok Glass. Hiện cô giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện ở CLB nữ VTV Bình Điền Long An. Những bài học bổ ích và trải nghiệm đáng nhớ được cựu tuyển thủ xuất sắc của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam truyền đạt cho các học trò.
Số lượng VĐV bóng chuyền nữ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu tăng dần là điều không bất ngờ. Khi đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia thi đấu thành công tại các giải đấu lớn, các cầu thủ nhận được sự chú ý của truyền thông và các đội bóng nước ngoài nhiều hơn trước. 2023 là năm thi đấu thành công của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt kết thúc năm với những chiến tích lịch sử như: vô địch cúp các CLB bóng chuyền nữ châu Á và có lần đầu tiên dự cúp các CLB thế giới, huy chương Bạc SEA Games 32, vô địch AVC Challenge Cup, xếp tốp 4 tại FIVB Challenger Cup và Asiad 19. Trong năm qua, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự tổng cộng 9 giải đấu, một con số kỷ lục.
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang nỗ lực vươn tầm. Thách thức lớn chờ Thanh Thúy và các đồng đội ở phía trước, đặc biệt là tại các giải đấu có đẳng cấp châu lục và thế giới. Dù vậy, việc các VĐV có cơ hội ra nước ngoài thi đấu để trui rèn bản lĩnh gợi mở những điều tích cực. Con đường xuất ngoại của các cầu thủ bóng chuyền nữ vẫn rộng mở. Khi đội tuyển quốc gia có thành tích, họ sẽ có thêm nhiều cơ hội. Và ngược lại, đó cũng là nguồn lực bổ sung chất cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam.
PHI NÔNG