Gian nan đường đến Olympic Paris 2024

.

Sau hai giải đấu mang tính bàn đạp là SEA Games 32 và ASIAD 19 trong năm 2023, thể thao Việt Nam (TTVN) bước vào năm mới 2024 với khát vọng vươn cao ở đấu trường lớn là Olympic Paris tại Pháp.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là 1 trong 3 VĐV Việt Nam đã xuất sắc giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Ảnh: M.M
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là 1 trong 3 VĐV Việt Nam đã xuất sắc giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Ảnh: M.M

Những tấm vé đầu tiên

Đặt mục tiêu giành 12 - 15 vé tham dự với Olympic Paris 2024, song đến thời điểm này, khi Thế vận hội mùa hè năm nay còn 7 tháng nữa sẽ khởi tranh, TTVN mới chỉ giành 3 suất chính thức. Các VĐV đã đoạt vé đến tranh tài tại Olympic Paris 2024 là Nguyễn Thị Thật (đua xe đạp), Trịnh Thu Vinh (bắn súng) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi).

Trong đó cua rơ Nguyễn Thị Thật là VĐV giành vé đầu tiên khi xuất sắc đoạt HCV tại Giải vô địch xe đạp đường trường châu Á năm 2023. Bắn súng luôn môn thể thao mũi nhọn, mang tính đột phá, giành thành tích cao nhất của TTVN trên đấu trường quốc tế. Tiếp nối truyền thống đó, lần này, bắn súng Việt Nam cũng kịp ghi dấu ấn với tấm vé chính thức của xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Tháng 8-2023, tại Giải vô địch bắn súng thế giới, xạ thủ Trịnh Thu Vinh đoạt tổng cộng 579 điểm ở nội dung 10m súng hơi ngắn, xếp thứ 5/130 để sở hữu tấm vé thứ 2 dự Olympic Paris 2024 cho TTVN.

Tấm vé thứ 3 thuộc về Nguyễn Huy Hoàng khi anh giành 2 HCĐ môn bơi nội dung 800m và 400m tự do tại ASIAD 19, trong đó nội dung 800m, Huy Hoàng cán đích sau 7 phút 51 giây 44, đủ điều kiện vượt qua chuẩn A Olympic (7 phút 51 giây 65). Đây là lần thứ 2, kình ngư người Quảng Bình giành vé chính thức tham dự đấu trường danh giá Thế vận hội. TTVN giành được 3 vé dự Olympic là con số khiêm tốn so với thực lực ở các giải đấu trước đó, cũng như mục tiêu đặt ra từ 12-15 suất tham dự. Việc chỉ mới hoàn thành 1/4 chỉ tiêu đặt ra rất nhiều áp lực cho TTVN bởi xét về thực lực hiện tại, chúng ta rất khó có thể hoàn thành mục tiêu ở các giải đấu tuyển chọn vé dự Thế vận hội trong thời gian đến.

Giai đoạn nước rút

Áp lực đang đè nặng lên VĐV các bộ môn đang được kỳ vọng hiện nay như: Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thanh Thủy (Judo), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Văn Khánh Phong, Đinh Phương Thành, Phạm Như Phương (thể dục dụng cụ). Bởi trong nửa đầu năm 2024, các VĐV này sẽ tranh tài ở các giải đấu được công nhận đủ điều kiện xét chuẩn Olympic để tự tìm cơ hội cho mình. Theo nhận định của giới chuyên môn, đây là những VĐV đang tiệm cận với trình độ Olympic. Chính vì thế cơ hội, khả năng “săn” vé đến Olympic Paris gần tầm tay nhất. Trong đó tay vợt Nguyễn Thùy Linh đang ở vị trí trong top 20 thế giới gần như có một suất góp mặt tại Paris vào mùa hè năm sau.

Bên cạnh đó, TTVN vẫn đang nuôi hy vọng giành suất dự Olympic ở các môn quan trọng khác như: Boxing (Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh), Taekwondo (Trương Thị Kim Tuyền), vật (Nguyễn Thị Xuân, Bùi Thị Đào, Nguyễn Thị Mỹ Trang, Trần Thị Ánh).  Dẫu biết rằng để mở “cánh cửa” đến với Olympic ở các nội dung này còn rất gian nan.

Để chuẩn bị cho các giải đấu lớn thuộc vòng loại Olympic, ngành thể thao đã xây dựng kế hoạch với các mục tiêu cụ thể. Ngay từ những ngày đầu năm, TTVN đã lên kế hoạch dự tranh các vòng loại Olympic, trong đó Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) sẽ kết thúc các giải tranh suất Olympic Paris 2024 vào ngày 30-6. Ngoài ra, cử tạ Việt Nam sẽ thi đấu giải vô địch châu Á (tháng 2, tại Uzbekistan) và World Cup (tháng 4, tại Thái Lan) để tích thêm điểm tranh suất Olympic. Ở môn quyền Anh, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh và một số võ sĩ khác có thể dự 2 lượt vòng loại Olympic: vòng đầu (tháng 2, tại Italy) và vòng 2 (tháng 3, tại Thái Lan).

Thời điểm này là giai đoạn nước rút để các VĐV hoàn tất mọi công tác chuẩn bị về chuyên môn. Tuy nhiên, một số VĐV nằm trong nhóm trọng điểm lại gặp phải chấn thương, đang được tích cực điều trị. Nhìn chung, không thể xác định cụ thể số vé dự Olympic Paris mà các VĐV sẽ giành được bởi các giải đấu sắp đến rất khốc liệt. Cho đến cuối tháng 5, nếu có thêm 6 - 7 VĐV giành vé tới Olympic thì đó cũng là điều đáng trân trọng.

Tìm vé đến Olympic đã khó, còn giành được huy chương tại đây càng khó bội phần. Hơn 4 thập kỷ trôi qua, TTVN đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài. Chúng ta mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Thực tế trên cho thấy, số VĐV đỉnh cao của TTVN có khả năng giành HCV ở đấu trường châu Á và xa hơn là Olympic chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc TTVN chưa thể vươn ra biển lớn để khẳng định được ở tầm châu lục, mà một trong những nguyên nhân chính đó là chúng ta chưa có một định hướng chiến lược dài hơi, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho những môn thể thao nằm trong chương trình, nội dung thi đấu của các đại hội thể thao châu Á, xa hơn nữa là Olympic.

Olympic Paris 2024 chỉ còn hơn nửa năm nữa sẽ khai mạc. Vậy nên, sự chuẩn bị của TTVN cần phải nghiêm túc, khẩn trương hơn, cùng với đó là những kế hoạch dài hơi để sẵn sàng cho cuộc bứt phá trong tương lai.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.