Khôi phục, duy trì các giải đua thuyền truyền thống

.

Khôi phục và duy trì tổ chức giải đua thuyền truyền thống được thành phố và nhiều địa phương trên địa bàn triển khai, gắn với các lễ hội, dịp nghỉ lễ hằng năm. Bên cạnh lan tỏa phong trào tập luyện, thi đấu thể dục - thể thao quần chúng, các giải đua thuyền còn giúp cho không khí lễ hội diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, trở thành điểm hẹn văn hóa, thể thao đặc sắc cho người dân, du khách.

Các đội tranh tài tại giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn năm 2023. Ảnh: XUÂN DŨNG
Các đội tranh tài tại giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn năm 2023. Ảnh: XUÂN DŨNG

Trong khuôn khổ lễ hội đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) vừa diễn ra thành công, giải đua thuyền truyền thống với sự tranh tài của 4 đội đua thuộc thôn Túy Loan mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân, du khách. Đây là hoạt động hấp dẫn nhất của lễ hội, được ban tổ chức duy trì hằng năm. Anh Trần Văn Hưng (người dân xã Hòa Phong) chia sẻ: “Lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn ở phần lễ và phần hội. Trong đó, giải đua thuyền trên sông Túy Loan là nội dung được mong chờ nhất của phần hội, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi. Hy vọng, giải được duy trì lâu dài để bà con huyện Hòa Vang nói chung, thế hệ trẻ nói riêng có cơ hội giao lưu, gắn kết cộng đồng”.

Không riêng huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu cũng tổ chức giải đua thuyền đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá và bảo tồn văn hóa đặc sắc của địa phương. Vừa qua, trên sông Cu Đê, UBND quận Liên Chiểu tổ chức giải đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng năm 2024. Đây là lần đầu tiên giải trở lại sau 4 năm gián đoạn, quy tụ gần 200 vận động viên của 8 đội thuyền đua nam, nữ đến từ quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ, xã Hòa Liên, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Từ sáng sớm, không khí hai bờ sông Cu Đê rất nhộn nhịp, nhiều người dân đánh thuyền ra bờ sông để chờ đợi các đội đua thi đấu. Theo thể lệ giải, các thuyền nữ thi đấu 2 vòng đôi, tương đương 2km và các thuyền nam thi đấu 3 vòng đôi, tương đương 3km.

Theo ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, giải đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân trên địa bàn quận. Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa cầu cho “quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa”; giúp người dân duy trì sức khỏe để lao động, góp sức vào sự phát triển đất nước. Ban tổ chức nỗ lực duy trì giải trong những năm tới, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống.

Trong số các hoạt động văn hóa - thể thao nổi bật của thành phố trong năm 2024, lễ hội Quán Thế Âm diễn ra từ ngày 26 đến 29-3 được đông đảo người dân, du khách chờ đợi. Tại lễ hội năm nay, quận Ngũ Hành Sơn tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò với sự tham dự của 8 đội đua nam, nữ đến từ các quận: Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Đây là lần đầu tiên giải đua thuyền trong khuôn khổ lễ hội Quán Thế Âm có sự tham gia của các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ở nội dung dành cho nữ, các đội đua 2,6km (2 vòng đôi). Trong khi đó, các đội đua nam chinh phục 3,9km (3 vòng đôi). Từ thành công của những năm trước, giải năm nay hứa hẹn diễn ra sôi nổi, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách khi tham dự lễ hội.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Ngũ Hành Sơn Huỳnh Bá Dương cho hay, đua thuyền là môn thể thao sông nước, gắn liền với những lễ hội truyền thống của dân tộc. Vì thế, quận duy trì tổ chức giải đua thuyền trong khuôn khổ lễ hội Quán Thế Âm. Đây là dịp để người dân các địa phương của thành phố gặp gỡ, giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Đặc biệt, giải đua thuyền năm nay không còn là hoạt động thể thao thuần túy, mà còn tái hiện lại hoạt cảnh tướng Trần Khát Chung giải cứu Huyền Trân công chúa mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa. Hiện công tác tổ chức hoàn tất, bảo đảm cho giải thành công.

Cùng với các địa phương, trong kế hoạch tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao của thành phố năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn dịp lễ 2-9. Ngoài các đội đua đến từ các địa phương trên địa bàn thành phố, giải có sự tham dự của các đội đua đến từ địa phương lân cận. Năm 2023, sau 5 năm gián đoạn, giải trở lại thành công, để lại nhiều ấn tượng với người dân, du khách. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao, đua thuyền truyền thống vừa là nét văn hóa đặc sắc, vừa là điểm tựa góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào thể dục - thể thao. Thành phố và các địa phương không ngừng khôi phục và tổ chức các giải đua thuyền truyền thống, lồng ghép vào lễ hội văn hóa, dịp nghỉ lễ. Bên cạnh việc lan tỏa phong trào tập luyện, thi đấu thể dục - thể thao trong quần chúng, các giải đua thuyền giúp cho không khí lễ hội diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Qua đó, góp phần giới thiệu, bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phát huy nét đẹp văn hóa cộng đồng trong đời sống hiện đại.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.