Tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia thể thao

.

Các đơn vị, địa phương cùng thành phố thường xuyên tổ chức giải thể thao, tạo sân chơi ý nghĩa cho người khuyết tật giao lưu, thể hiện tài năng, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Đây là cơ sở để phong trào tập luyện, thi đấu thể thao của người khuyết tật trên địa bàn thành phố từng bước phát triển.

Các vận động viên tranh tài nội dung chạy 100m tại hội thi thể thao dành cho người khiếm thị thành phố năm 2024. Ảnh: P.N
Các vận động viên tranh tài nội dung chạy 100m tại hội thi thể thao dành cho người khiếm thị thành phố năm 2024. Ảnh: P.N

Tại sân điền kinh Hòa Xuân, hội thi thể thao dành cho người khiếm thị thành phố năm 2024 do Hội Người mù thành phố tổ chức vừa diễn ra sôi nổi, hấp dẫn. Tham dự hội thi có hơn 150 vận động viên (VĐV) đến từ Hội Người mù các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Các VĐV tranh tài ở 12 nội dung thi đấu gồm: chạy 100m, đẩy tạ, bật xa, chống đẩy, nhảy dây, vật tay, xà đơn, bước chân đoàn kết, nhảy bao bố, kéo co, đua ghe ngo và cờ tướng.

VĐV Bùi Thị Kim Cương (Hội Người mù quận Liên Chiểu) không giấu được hứng khởi khi tham gia hội thi. Trước khi cùng đồng đội tranh tài, chị khởi động kỹ lưỡng. Trên đường chạy 100m, chị thi đấu đầy quyết tâm, nỗ lực và cán đích trong những tràn vỗ tay của khán giả. Chị Kim Cương chi sẻ: “Tôi đam mê thể thao nên tập luyện thường xuyên. Điều này giúp tôi có sức khỏe và tinh thần thoải mái. Được tham dự hội thi dành cho người khiếm thị thành phố, tôi cảm thấy rất vui. Ngoài việc thể hiện khả năng bản thân, đây là dịp để tôi gặp gỡ, tâm sự, sẻ chia với những người đồng cảnh ngộ”.

Giống như chị Kim Cương, VĐV Nguyễn Thành Quân (Hội Người mù huyện Hòa Vang) đến hội thi dành cho người khiếm thị thành phố trong tâm trạng háo hức. “Một tuần trước ngày hội thi khởi tranh, tôi nỗ lực tập luyện nhằm hướng đến kết quả tốt nhất. Tại hội thi lần này, tôi tranh tài ở các nội dung: đua ghe ngo, chạy 100m, nhảy xa, hít đất và nhảy dây. Điều này khiến tôi vui và hạnh phúc”, VĐV Thành Quân cho hay.

Theo bà Lê Thị Diệu Châu, Chủ tịch Hội Người mù thành phố, thể thao mang đến sức khỏe và niềm vui. Nhưng với những người khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung, các giải thể thao họ được dịp thi đấu còn hơn thế. Ở đó, họ còn tìm thấy sự nối kết, chia sẻ vui buồn với những người đồng cảnh ngộ, là dịp để họ hòa nhập cộng đồng, vươn lên khẳng định mình. Hội thi thể thao dành cho người khiếm thị thành phố đã làm được điều ý nghĩa đó. 

Không riêng Hội Người mù thành phố, hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức giải thể thao dành cho người khuyết tật. Mới đây, giải diễn ra sôi nổi tại Cung thể thao Tiên Sơn với sự tham dự của gần 60 VĐV nam, nữ đến từ 11 đơn vị. Các VĐV tranh tài ở 3 môn gồm: cầu lông, bóng bàn và điền kinh. Trong đó, môn điền kinh có 8 nội dung gồm: đẩy tạ nam (5kg), đẩy tạ nam khiếm thị (5kg), đẩy tạ nữ (4kg), đẩy tạ nữ khiếm thị (4kg), chạy 100m nam, chạy 100m nữ, chạy 100m nam khiếm thị và chạy 100m nữ khiếm thị. Môn cầu lông có 5 nội dung gồm: đơn nam đứng, đơn nữ đứng, đơn nữ ngồi xe lăn, đôi nam đứng và đôi nam nữ đứng. Môn bóng bàn có 4 nội dung gồm: đơn nam đứng, đơn nam ngồi xe lăn, đôi nam đứng và đôi nam ngồi xe lăn.

Theo ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố, bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hội khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên tham gia tập luyện, thi đấu tại các giải thể thao. Điều này không chỉ giúp người khuyết tật rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, mà còn tạo cơ hội để họ cống hiến tài năng, có thêm tự tin, nghị lực để hòa nhập cộng đồng. Thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương mở rộng, phổ biến, phát triển các môn thể thao cơ bản cho người khuyết tật tập luyện, thi đấu. Đồng thời, mở thêm các câu lạc bộ thể thao, nhằm tạo sân chơi ý nghĩa cho người khuyết tật.

Ông Trần Công Tự, Giám đốc Trung tâm thể dục - thể thao thành phố cho biết: “Phong trào tập luyện thể thao của người khuyết tật trên địa bàn thành phố từng bước phát triển, tăng về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều quận, huyện cùng các đơn vị hỗ trợ người khuyết tật tập luyện, thi đấu thể thao thường xuyên. Thành phố sẽ duy trì tổ chức giải thể thao dành cho người khuyết tật hằng năm, nhằm tạo điều kiện cho các VĐV giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy sự phát triển của phong trào người khuyết tật chơi thể thao”.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.