Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2024: Việt Nam tạo cách biệt lớn trên bảng tổng sắp huy chương

.

Ngày 6-6, các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2024 tiếp tục diễn ra gây cấn, hấp dẫn. Trong đó, điền kinh, pencak silat, bơi tiếp tục mang về huy chương Vàng (HCV) giúp đoàn thể thao học sinh Việt Nam củng cố vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.

Đội tuyển điền kinh học sinh Việt Nam kết thúc đại hội với vị trí Nhất toàn đoàn. Ảnh: P.N
Đội tuyển điền kinh học sinh Việt Nam kết thúc đại hội với vị trí Nhất toàn đoàn. Ảnh: P.N

Tại sân điền kinh Trung tâm Huấn luyện và đào tạo vận động viên thể dục - thể thao Đà Nẵng, các vận động viên đội tuyển điền kinh học sinh Việt Nam bước vào ngày thi đấu cuối cùng với tinh thần quyết tâm. Ở nội dung ném lao nam (700g), vận động viên Phan Văn Anh Kiệt xuất sắc giành HCV với thành tích  68,19m; Đinh Thị Thu Hương giành HCV nội dung 2.000m nữ; Lương Xuân Sơn giành HCV nội dung 2.000m nam. Ngoài ra, Hà Thị Thúy Hằng giành huy chương Bạc (HCB) nội dung nhảy 3 bước nữ; Lý Mùi Sâu giành HCB nội dung 2.000m nữ. Chia sẻ cảm xúc sau khi hoàn thành tốt phần thi, vận động viên Lương Xuân Sơn cho biết: “Em rất vui vì giành HCV, đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ. Đây là động lực để em hướng đến các giải đấu quan trọng tiếp theo trong năm 2024. Những ngày thi đấu tại Đà Nẵng để lại cho em nhiều kỷ niệm đáng nhớ”.

Kết thúc môn điền kinh, đoàn thể thao học sinh Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn với 15 HCV, 12 HCB, 3 HCĐ. Xếp sau trong top 5 lần lượt là Thái Lan (8 HCV, 6 HCB, 6 HCĐ), Malaysia (7 HCV, 9 HCB, 6 HCĐ), Indonesia (2 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ), Philippines (2 HCV, 3 HCB, 5 HCĐ). Theo ông Nguyễn Trung Hinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, đội tuyển điền kinh học sinh Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ khi dẫn đầu toàn đoàn, vượt chỉ tiêu giành từ 13 đến 14 HCV. Các vận động viên được tuyển chọn kỹ, tạo điều kiện thuận lợi trong tập luyện đã thi đấu đầy cố gắng, nỗ lực. Sau đại hội, các vận động viên trẻ xuất sắc được liên đoàn tuyển chọn và huấn luyện, đào tạo để phát triển tốt trong tương lai.

Cùng với điền kinh, bơi đóng góp nhiều HCV cho đoàn thể thao học sinh Việt Nam. Nguyễn Quang Thuấn giành HCV nội dung 200m hỗn hợp nam, phá kỷ lục đại hội với thành tích 2:04.35; Nguyễn Thúy Hiền giành HCV nội dung 50m bướm nữ, phá kỷ lục đại hội với thành tích 27.36, HCV 200m hỗn hợp; Nguyễn Thúy Hiền, Vũ Thị Phương Ánh, Nguyễn Ngọc Thủy Tiên và Lê Thị Thùy Trang giành HCV, phá kỷ lục nội dung 4x100m tiếp sức tự do nữ với thành tích 3:54.00. Đây là HCV thứ 8 của Thúy Hiền tại đại hội. Ngoài ra, Bùi Sỹ Nhật giành HCB nội dung 200m ếch nam; Trịnh Trường Vinh giành HCB nội dung 100m ngửa nam; Mai Trần Tuấn Anh giành HCB nội dung 200m hỗn hợp nam; Dương Văn Hoàng Quy, Trần Văn Nguyễn Quốc, Mai Trần Tuấn Anh, Nguyễn Quang Thuấn giành HCB nội dung tiếp sức 4x100m tự do nam.

Ở môn pencak silat, sau hai HCV đầu tiên nội dung biểu diễn, đội tuyển pencak silat học sinh Việt Nam tự tin bước vào ngày thi đấu cuối ở nội dung đối kháng. Sau nhiều nỗ lực, vận động viên Huỳnh Anh Thuận giành HCV nội dung đối kháng dưới 43kg nam; Nông Hải Vân giành HCV nội dung đối kháng dưới 40kg nữ; Nguyễn Ngọc Như Ý giành HCB nội dung đối kháng dưới 43kg nữ; Nguyễn Hữu Hùng giành HCB nội dung đối kháng dưới 47kg. Theo HLV Nguyễn Văn Hùng, đội tuyển pencak silat học sinh Việt Nam nỗ lực trong từng nội dung tranh tài, hoàn thành mục tiêu đề ra. Việc tranh tài tại đại hội là cơ hội tốt để các vận động viên pencak silat trẻ Việt Nam cọ xát chuyên môn với các vận động viên mạnh trong khu vực. Những ngày qua, đội nhận được sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo khán giả. Hy vọng, thông qua đại hội, môn pencak silat phổ biến rộng hơn trong cộng đồng.

Tính đến chiều 6-6, đoàn thể thao học sinh Việt Nam tiếp tục dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 34 HCV, 23 HCB, 11 HCĐ. Xếp sau lần lượt là: Thái Lan (15 HCV, 15 HCB, 20 HCĐ), Indonesia (10 HCV, 15 HCB, 13 HCĐ), Malaysia (10 HCV, 12 HCB, 14 HCĐ), Singapore (4 HCV, 7 HCB, 14 HCĐ), Philippines (2 HCV, 4 HCB, 8 HCĐ), Campuchia (2 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ), Myanmar (2 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ), Lào (1 HCB, 1 HCĐ), Brunei (1 HCĐ).

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.