Hôm nay (23-7), đoàn thể thao Việt Nam lên đường sang Paris (Pháp) dự Olympic - Thế vận hội mùa hè lần thứ 33. Trong số 10 môn tranh tài, các môn bắn cung, bắn súng, cử tạ là niềm hy vọng có huy chương của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đề ra, các vận động viên còn chờ thêm vào may mắn.
Lê Quốc Phong là niềm hy vọng có huy chương của thể thao Việt Nam ở môn bắn cung. Ảnh: World Archery |
Tìm vé đến Olympic đã khó, giành được huy chương ở đấu trường này càng khó bội phần. Hơn 4 thập kỷ trôi qua, thể thao Việt Nam dự 9 kỳ Olympic, với 152 vận động viên tranh tài, nhưng mới giành tổng cộng 5 huy chương gồm: 1 huy chương Vàng (HCV), 3 huy chương Bạc (HCB) và 1 huy chương Đồng (HCĐ). Võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân là người “mở hàng” với tấm HCB hạng cân 57kg nữ tại Olympic Sydney (Australia) năm 2000, sau đó lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn giành HCB hạng 56kg nam ở Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2008. Tại Olympic London (Anh) 2012, lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ hạng 56kg nam. Thành tích lịch sử thuộc về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khi giành 1 HCV nội dung 10m súng ngắn hơi và 1 HCB nội dung 50m súng ngắn tại Olympic Rio (Brazil) năm 2016.
Tại Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam có 16 vận động viên tranh tài ở 10 môn. Trong đó, bắn cung và bắn súng là nội dung ít bị ảnh hưởng nhất bởi các yếu tố liên quan đến thể chất. Vì thế, niềm hy vọng giành huy chương ở các môn này lớn hơn các môn như: điền kinh, bơi lội, rowing, canoeing, cầu lông, boxing, xe đạp, judo.
Theo lịch thi đấu, ngày 25-7, bắn cung là môn đầu tiên có hai đại diện Việt Nam là Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt tranh tài. Giành vé dự Olympic Paris 2024 ở nội dung cung 1 dây cá nhân nam là thành quả xứng đáng sau những nỗ lực của Lê Quốc Phong. Nhiều năm gắn bó với bắn cung, cung thủ người Vĩnh Long liên tiếp gặt hái thành công khi giành 4 HCV năm 2022, 15 HCV năm 2023 và 4 HCV năm 2024 tại các giải quốc nội. Tháng 5-2024, anh trở thành cung thủ đầu tiên của Việt Nam giành hạng 4 tại giải bắn cung thế giới. Đây là thành tích đáng tự hào, tiếp thêm hy vọng trước thềm Olympic.
Trong khi đó, Đỗ Thị Ánh Nguyệt thi đấu ở nội dung cung 1 dây cá nhân nữ. Cô gái sinh năm 2001 viết nên cột mốc mới cho bắn cung Việt Nam khi trở thành cung thủ đầu tiên hai lần dự Olympic. Trước đó, cô khiến tất cả bất ngờ khi có vé dự Olympic tại giải châu Á và là vận động viên nhỏ tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2021.
Cùng với bắn cung, bắn súng được kỳ vọng khi có sự góp mặt của Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền. Hai vận động viên này là những nhà vô địch ở giải bắn súng vô địch châu Á. Trịnh Thu Vinh giành HCV nội dung 10m súng ngắn hỗn hợp đồng đội, Lê Thị Mộng Tuyền là nhà vô địch nội dung 10m súng trường hơi nữ. Thu Vinh ban đầu theo đuổi môn điền kinh, nhưng sau 3 năm không có kết quả như mong muốn nên chuyển sang bắn súng ở tuổi 17 và gặt hái thành công. Tháng 8-2023, cô vào top 5 tại giải bắn súng vô địch thế giới và giành vé dự Olympic Paris 2024.
Trong khi đó, sau 3 năm kể từ khi tập bắn súng chuyên nghiệp, Mộng Tuyền có bộ sưu tập danh hiệu khiến nhiều vận động viên ao ước: 9 HCV ở các giải trong và ngoài nước, 4 kỷ lục tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Tháng 1-2024, cô đứng thứ 5 chung kết giải bắn súng vô địch châu Á và giành vé đến Pháp. Tại Olymlic Paris 2024, Thu Vinh tranh tài ở nội dung 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao. Trong khi đó, Mộng Tuyền thi đấu ở nội dung 10m súng trường hơi nữ. Theo giới chuyên môn, cả hai đang có phong độ tốt và duy trì được điểm số đủ khả năng vào đến loạt bắn chung kết. Người hâm mộ hy vọng hai nữ xạ thủ sẽ tỏa sáng mang huy chương về cho thể thao Việt Nam giống như Hoàng Xuân Vinh đã làm được năm 2016.
Ngoài hai môn nói trên, cử tạ là môn liên quan đến thể chất có hy vọng giành huy chương khi Trịnh Văn Vinh xếp trong top 10 thế giới hạng cân 61kg nam. Nếu đạt điểm rơi phong độ, đô cử này có thể chen chân vào nhóm tranh chấp huy chương, tiếp bước các đồng nghiệp đàn anh Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn làm nên kỳ tích.
PHI NÔNG