Dưới những tiếng reo hò và tràng pháo tay không ngớt của 11.000 khán giả trên sân Jose Maria Martin Carpena ở Malaga (Tây Ban Nha), Rafael Nadal ngấn lệ, tay vẫy cao, bước những bước thật chậm ở giải đấu cuối cùng trước khi giải nghệ. Sau “tàu tốc hành” Roger Federer, “vua đất nện” Nadal cuối cùng cũng về ga cuối, để lại bao niềm tiếc nuối cho người hâm mộ làng banh nỉ.
Rafael Nadal chính thức giải nghệ sau 23 năm thi đấu chuyên nghiệp. Ảnh: DC |
“Khi Federer không còn thi đấu, một phần quan trọng của cuộc đời tôi cũng sẽ rời đi” là lời Nadal chia sẻ cách đây 2 năm khi chứng kiến Roger Federer - một đại kình địch của mình trên sân trong suốt sự nghiệp thi đấu giải nghệ. Rạng sáng 20-11, Nadal cũng không chiến thắng được quy luật của thời gian, chính thức giã từ trái banh nỉ sau khi đội tuyển Tây Ban Nha thua Hà Lan, dừng bước ở tứ kết giải quần vợt Davis Cup 2024.
Một điều đáng chú ý, trước khi giành Grand Slam đầu tiên để khởi đầu cho một sự nghiệp huy hoàng, Nadal lần đầu bước ra ánh sáng khi là người hùng đưa đội tuyển Tây Ban Nha vô địch Davis Cup 2004. Đúng 2 thập niên sau, sân chơi này là nơi anh chính thức đưa ra lời giã biệt: “Sự thật là chẳng ai muốn đến thời khắc này. Tôi không mệt mỏi vì tennis, nhưng cơ thể tôi không còn cho phép mình tiếp tục. Được thi đấu tennis là một đặc ân, bởi tôi đã biến niềm đam mê thành sự nghiệp, và nó kéo dài hơn cả những gì tôi từng nghĩ. Gia đình, đồng đội, bạn bè - đó là tất cả những thứ tôi có nhờ tennis. Tôi tự hào vì di sản mà mình để lại”.
Hơn 20 năm thi đấu chuyên nghiệp, không chỉ nâng tầm quần vợt về chuyên môn, Nadal còn nâng tầm quần vợt cả về ảnh hưởng với công chúng. Không ai có thể rời mắt khi xem tay vợt này thi đấu, chinh phục những giới hạn của bản thân. Anh là biểu tượng của sự bền bỉ, kiên cường và tinh thần thể thao đáng kinh ngạc. Mỗi lần anh tung cú forehand (thuận tay) đầy uy lực dọc biên, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự hoàn hảo và cảm giác như bản thân vừa làm được điều không tưởng.
Nadal chưa bao giờ cho phép bản thân dừng lại quá lâu ở một điểm số, dù thắng hay thua. Anh luôn chơi từng quả bóng với sự tập trung cao độ, không bao giờ hạ thấp cường độ thi đấu. Nhưng khác với Nadal kiên cường trên sân, ngoài đời anh là con người hoàn toàn khác: nhút nhát, giản dị và yêu thích những ngày yên bình bên gia đình tại quê nhà Manacor.
“Jeu-set-match, Nadal” (game-set-match, Nadal), đối với người Tây Ban Nha và các cổ động viên của Nadal trên khắp thế giới, thuật ngữ ngắn gọn này như trở thành bài thánh ca về một trong những tay vợt vĩ đại nhất lịch sử. Phòng truyền thống ở học viện mang tên anh tại Mallorca là minh chứng hùng hồn cho sự nghiệp phi thường. Nadal giành 22 Grand Slam, trong đó có kỷ lục 14 danh hiệu Roland Garros, 2 lần vô địch Wimbledon, 2 lần đăng quang ở Australia mở rộng và 4 lần giành Mỹ mở rộng. Bên cạnh 92 danh hiệu ATP lớn nhỏ, Nadal cũng sở hữu huy chương Vàng Olympic đơn nam và đôi nam. Nadal từng giúp đội tuyển Tây Ban Nha 4 lần đoạt Davis Cup. Anh thắng 29 trong 31 trận đấu đơn ở sự kiện đồng đội này - một kỷ lục của đội tuyển xứ sở bò tót.
Trong các danh hiệu kể trên, chiếc cúp vô địch Wimbledon ở London (Anh) năm 2008, khi lần đầu tiên nâng cao danh hiệu lớn khác ngoài Roland Garros mang lại cảm xúc nhiều nhất cho Nadal và người hâm mộ. Nadal đánh bại Federer ngay trên “thánh địa” của huyền thoại Thụy Sĩ trong trận chung kết kéo dài 4 giờ 48 phút (3-2 cho Nadal; set 5 là 9-7), cho đến nay vẫn được nhiều người coi là trận đấu quần vợt vĩ đại nhất trong lịch sử. Sau khi khuất phục được kỳ phùng địch thủ, Nadal hét lớn, khuỵu gối nhắm mắt, nhỏ lệ, rồi ngửa mặt và giơ hai tay lên trời, như để nếm vị ngọt của vinh quang.
Năm tháng trôi qua, Nadal vượt qua vô số nghịch cảnh, trong đó có 24 ca chấn thương nghiêm trọng. Sau 23 năm kể từ ngày ra mắt chuyên nghiệp, nhà vô địch với tinh thần cứng như đá granit phải dừng lại. Nadal còn đầy khát khao, nhưng cơ thể anh đã nói đủ. Những chấn thương hông, đầu gối và lưng khiến anh không thể trì hoãn quyết định nói lời chia tay. Sự lưu luyến, tiếc nuối là khó tránh khỏi, nhưng niềm an ủi cũng lớn bởi những nguồn cảm hứng mà Rafael Nadal để lại cho đời vẫn luôn nguyên vẹn. Cảm ơn và tạm biệt Nadal, tượng đài của quần vợt thế giới.
PHI NÔNG