Thể thao Đà Nẵng kỳ vọng bứt phá trong năm 2025

.

Thể thao Đà Nẵng đạt nhiều kết quả nổi bật trong năm 2024, tạo tiền đề để tiếp tục bứt phá trong năm 2025.

Phong trào thể thao trên địa bàn thành phố lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tập luyện, thi đấu thường xuyên. TRONG ẢNH: Các vận động viên tham gia giải Marathon quốc tế Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: PHI NÔNG
Phong trào thể thao trên địa bàn thành phố lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tập luyện, thi đấu thường xuyên. TRONG ẢNH: Các vận động viên tham gia giải Marathon quốc tế Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: PHI NÔNG

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao cho biết: Việc tập luyện, thi đấu thể dục - thể thao của người dân ngày càng được nâng cao, nên thể thao thành phố tiếp tục có bước phát triển đáng kể; phong trào thể thao quần chúng lan tỏa rộng trong cộng đồng. Các đơn vị, địa phương cùng thành phố tổ chức hàng trăm giải thể thao, tạo không khí thi đua sôi nổi, hấp dẫn. Trong đó, các sự kiện nổi bật diễn ra thành công như: cuộc thi marathon quốc tế, IRONMAN 70.3 Việt Nam, Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13, giải taekwondo vô địch châu Á...

Thể thao thành tích cao cũng giành nhiều kết quả ấn tượng với 323 HCV, 288 HCB, 395 HCĐ. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố khi có các chính sách khen thưởng, đãi ngộ tương xứng cũng tạo thêm động lực để các đội tuyển, huấn luyện viên và vận động viên cố gắng hơn trong tập luyện, thi đấu.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất nhằm tổ chức thi đấu trong nước và quốc tế, phục vụ công tác luyện tập các bộ môn thể thao. Trong đó, dự án Cải tạo, nâng cấp mặt sân cỏ của sân bóng đá và khuôn viên sân vườn phía trước khán đài A, sân bóng đá Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) có tổng mức đầu tư hơn 11,4 tỷ đồng. Hiện dự án đang được triển khai giai đoạn 1. Ngoài ra, thành phố còn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Công viên, CLB thể thao biển và bãi tắm Sơn Thủy (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) với tổng mức đầu tư hơn 34,6 tỷ đồng.

* Những kết quả tích cực cùng sự quan tâm đầu tư của thành phố có phải là cơ sở để thể thao Đà Nẵng tiếp tục bứt phá trong năm 2025 hay không, thưa ông?

- Năm 2025, thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển thể dục - thể thao trong giai đoạn mới. Trong đó, mục tiêu từ nay đến năm 2030 là phấn đấu số người tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên đạt trên 41,5% dân số; số gia đình thể thao đạt trên 35,3% tổng số hộ gia đình.

Để thể thao phong trào tiếp đà phát triển, ngoài các giải trong chương trình thi đấu hằng năm và các môn của Đại hội Thể dục - thể thao thành phố lần thứ 10, thành phố đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao quy mô lớn. Trong đó, các sự kiện nổi bật diễn ra trong năm 2025 như: cuộc thi marathon quốc tế, IRONMAN 70.3 Việt Nam cùng các giải vô địch quốc gia như: đua thuyền rowing và canoeing, điền kinh, bóng bàn, cầu lông, bơi, lặn…

Thể thao thành tích cao thành phố phấn đấu giành trên 200 HCV, giữ vững vị thế xếp trong top các đội dẫn đầu cả nước tại đấu trường quốc gia; giành trên 40 HCV tại các giải đấu quốc tế. CLB bóng đá SHB Đà Nẵng phấn đấu giành kết quả tốt tại V-League, các tuyến bóng đá trẻ từ U11 đến U21 giành quyền vào vòng chung kết và cố gắng có huy chương tại các giải quốc gia. Ngoài ra, SEA Games 33 tổ chức tại Thái Lan là sự kiện quan trọng các vận động viên tham gia với mục tiêu giành nhiều huy chương nhất có thể.

* Ngành thể dục - thể thao có những giải pháp nào để đạt những mục tiêu nói trên?

- Thành phố chú trọng phát triển các môn thể thao quần chúng phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động tại các khu công nghiệp, trẻ em, học sinh, sinh viên như: cờ, cầu lông, quần vợt, bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền, bơi, bóng rổ, khiêu vũ thể thao, thể dục thể hình, yoga, thể dục dưỡng sinh, điền kinh (chạy bộ, 3 môn phối hợp), các môn võ và một số môn thể thao mới (pickleball, bóng chày)... Tổ chức trung bình 25 giải thể thao cấp thành phố; mỗi quận, huyện duy trì tổ chức ít nhất 15 giải thể thao và mỗi xã, phường duy trì tổ chức ít nhất 5 giải thể thao. Ngoài ra, thành lập thêm các liên đoàn thể thao như: bóng chuyền, bóng đá, pickleball…

Bên cạnh đó, tập trung phát triển thể thao thành tích cao theo chiều sâu, đề cao chất lượng, tập trung vào các môn: điền kinh, bơi, cử tạ, đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền, taekwondo; hoàn thiện hệ thống phát hiện và chú trọng công tác tuyển chọn, tổ chức đào tạo, huấn luyện 1.000 vận động viên chuyên nghiệp ở các môn thể thao (không bao gồm các tuyển bóng đá trẻ); cử 2.000 lượt vận động viên tham gia thi đấu các giải quốc gia; có 130 vận động viên trở lên đạt đẳng cấp quốc gia (cấp I, kiện tướng). Thu hút các vận động viên tài năng ngoài thành phố về tập luyện, thi đấu để hỗ trợ phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp làm công tác thể dục - thể thao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cấp cơ sở; tổ chức 2 đến 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ về thể dục - thể thao cho đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, cộng tác viên trong các cơ quan, đơn vị. Rà soát, đầu tư hoàn thiện mạng lưới thiết chế thể thao cơ sở đồng bộ theo đề án Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất; củng cố, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo vận động viên hiện có và tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể thao thành tích cao tại khu liên hợp thể thao Hòa Xuân, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa lĩnh vực thể thao thành tích cao, khuyến khích các liên đoàn thể thao, CLB thể thao, doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ kinh phí thành lập các đội tuyển thể thao đại diện cho thành phố tham gia các giải quốc gia và quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thành lập CLB thể thao chuyên nghiệp.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

PHI NÔNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.