“Người hùng” Islam Slimani với bàn thắng san bằng tỷ số 1-1 trước Nga để giúp Algeria vượt qua vòng bảng thừa nhận, họ đến Brazil với mục tiêu vượt qua vòng bảng. Dù vậy, Algeria vẫn không thỏa mãn và hy vọng kéo dài ước mơ của mình. Để làm được điều đó, HLV Vahid Halihodzic cùng các học trò phải vượt qua trở lực rất lớn từ người Đức.
Khi Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha, Anh… bị loại, Joachim Loew cảm thấy con đường đi đến trận chung kết được mở ra lớn hơn. Song, để vượt qua trận đấu loại trực tiếp hoàn toàn không đơn giản. Vì thế, trước những ý kiến cho rằng, ở vòng 1/8, Đức khá “dễ thở” khi đối thủ của họ “chỉ là Algeria”, Loew cho rằng: “Chúng tôi phải tiếp tục tập trung và đứng vững trên mặt đất. Một sự tự mãn sẽ nhận ngay đòn trừng phạt”.
Thực ra, Algeria không quá đáng ngại dù đội bóng Bắc Phi này đã có những tiến bộ nhất định. Nếu World Cup 2010, Algeria khá mạnh trong phòng ngự khi chỉ thủng lưới 2 bàn/3 trận thì 4 năm sau, tại Brazil 2014, thủ môn Rais M’Bolhi đã bị thủng lưới 5 lần, cũng sau 3 trận. Trong khi đó, với 6 bàn thắng thì có đến 4 bàn các chân sút Algeria “nã” vào lưới của đội chót bảng H là Hàn Quốc. Những con số này cho thấy, sức tấn công của Algeria đã được cải thiện đáng kể khi tại Nam Phi 4 năm trước đây, hàng công của họ hoàn toàn… vô hại khi chẳng tìm được 1 bàn thắng danh dự. Ngược lại, hàng phòng ngự của “Cáo sa mạc” cũng mong manh hơn với tỷ lệ bàn thua đến 1,66 bàn/trận.
Đó là hệ lụy của sự phóng khoáng mà Halihodzic mang đến cho Algeria.
Bất chấp có những gương mặt xuất sắc trên hàng công như Nabil Bentaleb (Tottenham Hotspur), Yacine Brahimi (Granada), Hilal Soudani (Dinamo Zagreb) hay cầu thủ được ví là “tiểu Zidane” Sofiane Feghouli (Valencia), lối chơi của Algeria vẫn chưa có sự sáng tạo cần thiết. Đặc biệt, trước những đối thủ được đánh giá cao hơn, họ chỉ trông chờ vào những tình huống cố định.
Ngược lại, đến lúc này, vẫn chưa ai biết được “bộ mặt thật” của người Đức khi họ thể hiện những gương mặt hoàn toàn khác nhau, sau 3 trận đấu vòng bảng.
Thắng dễ dàng Bồ Đào Nha 4-0, nhất là sau khi Pepe bị đuổi khỏi sân, hòa nhọc nhằn Ghana 2-2 và thắng Mỹ 1-0 trong một trận đấu không mấy quyết liệt nhưng dường như tất cả đều nằm trong tính toán của Joachim Loew. Có thể thấy, mỗi sự điều chỉnh nhân sự của Loew đều gắn liền với những thay đổi đáng kể trong việc vận hành chiến thuật của Đức. Dĩ nhiên, tư tưởng chủ đạo của đội bóng này vẫn là giành quyền kiểm soát bóng tốt nhất, đồng nghĩa với việc kiểm soát thế trận để tìm cơ hội kết liễu đối phương. Đó chính là lối chơi tiki-taka quen thuộc của Bayern Munich, được nâng tầm cao hơn tiki-taka của Barcelona và Tây Ban Nha.
Sau khi vượt qua đội tuyển Nga để giành quyền vào giai đoạn 2, Slimani rất muốn tái hiện thành quả của các bậc tiền bối Rabah Madjer, Salah Assad và Lakhdar Belloumi khi đánh bại CHLB Đức 2-1 tại Espana 82!
Tuy nhiên, chưa bao giờ người Đức chờ đợi nhiều hơn 18 năm để giành một danh hiệu. Ngày 1-7 này đánh dấu tròn 18 năm kể từ khi Oliver Bierhoff ghi “bàn thắng Vàng”, giúp Đức giành ngôi vô địch Euro 96. Lần này, trong thành phần đội tuyển Đức có hai tiền đạo đang đi vào lịch sử. Đó là Klose, hiện đã có 15 bàn thắng, ngang bằng kỷ lục của siêu sao Ronaldo (Brazil) tại các kỳ World Cup. Người còn lại là Thomas Mueller, đã có 4 bàn thắng tại Brazil 2014 và 9 bàn thắng/9 trận đấu tại World Cup. Và cả hai đều không thiếu khát vọng lập công.
Chắc chắn trước một Algeria không giữ sạch lưới đến 11/12 trận đấu tại World Cup, cơ hội đang rất lớn cho người Đức nếu các học trò của Loew kiểm soát tốt trận đấu ngay từ khi nhập cuộc. Và một lần nữa, giấc mơ Algeria phải khép lại, vì người Đức!
NGUYÊN AN