Chẳng ai nghĩ đến tiêu cực, song cũng không ai buộc Klinsmann hay Joachim Loew không có những tính toán trong một cuộc đua tranh mà chỉ cần một sơ sẩy, có thể những nỗ lực trước đó hóa thành vô nghĩa. Và đó chính là điều mà cả Đức lẫn Mỹ hướng đến khi hai đội gặp nhau trong trận đấu cuối của bảng G (23 giờ, ngày 26-6).
Chẳng ai buộc Loew (trái) lẫn Klinsmann không có những tính toán khi Đức gặp Mỹ trong lượt trận cuối cùng của vòng đấu bảng. |
Sau trận hòa 2-2 trước Bồ Đào Nha hôm 22-6, Mỹ chỉ cần 1 điểm là đủ điều kiện bước vào vòng 1/8. Đức cũng vậy. Vì thế, đã có những hoài nghi về một trận đấu được “bắt tay” của hai đội tuyển này ở lượt đấu cuối.
Hẳn nhiên có những cơ sở cho sự ngờ vực đó. HLV của đội tuyển Mỹ Klinsmann là người Đức, từng giành World Cup 1990 và Euro 1996 khi còn là tuyển thủ Đức, trước khi dẫn dắt “Những con Phượng hoàng sông Rhine” tại World Cup 2006. Trong khi đó, Joachim Loew - cựu trợ lý của Klinsmann - là HLV đương nhiệm của Đức. Trong thành phần đội tuyển Mỹ hiện nay, có đến 5 cầu thủ gốc Đức và 4 trong số đó đang thi đấu tại Bundesliga.
Thế nhưng, Klinsmann đã bác bỏ mọi sự nghi hoặc khi khẳng định Mỹ có thừa quyết tâm để có thể đạt kết quả trong “một trận đấu duy nhất”. Ông cho biết, Mỹ sẽ đến Recife với khát vọng cùng rất nhiều tự tin để vượt qua Đức. Có thể những phát biểu của Klinsmann là thật, khi Mỹ từng thể hiện sự sòng phẳng của mình qua không ít trận đấu. Gần đây nhất (tháng 10-2013), Mỹ đánh bại Panama 3-2 trong trận cầu thủ tục của mình tại vòng loại khu vực CONCACAF, bằng 2 bàn thắng ở những phút bù giờ. Qua đó vô tình giúp Mexico giành quyền đến Brazil 2014 và góp phần loại Panama khỏi vòng chung kết.
Nói là vậy nhưng không ai có thể buộc Mỹ bung toàn bộ sức lực để quyết đấu cùng Đức. Lịch sử đối đầu sau 9 trận, nghiêng về Đức với 6 trận thắng và 3 trận thua. Đáng nói hơn, Mỹ chỉ mới thắng Đức 1 lần tại một giải đấu chính thức là Confederations Cup cách đây 14 năm. Trong khi đó, ở hai lần gặp nhau tại World Cup, người Đức chiếm ưu thế tuyệt đối với cả 2 chiến thắng (2-0, ngày 15-6-1998 và 1-0, ngày 21-6-2002). Không quên rằng, đầu những năm 2000, HLV đội tuyển Mỹ lúc ấy là Bob Bradley đang có trong tay hàng loạt hảo thủ rải đều ở 3 tuyến như thủ môn Brad Friedel, hậu vệ Eddie Pope hay các tiền vệ Landon Donovan, Cobi Jones, John O”Brien, Claudio Reyna cùng những mũi tấn công như Brian McBride, Joe-Max Moore... Ở thời điểm đó, dù đang trong chu kỳ đi xuống nhưng đội tuyển Đức vẫn biết cách đánh bại mọi đối thủ, trong đó có đội tuyển Mỹ.
Còn hiện tại, bóng đá Đức đang ở đỉnh cao sau khi chính Klinsmann thực hiện cuộc “cách mạng bóng đá”. Để bây giờ, Đức là một trong những đội tuyển chơi hiệu quả và vẫn mang tính cống hiến nhất trên sân cỏ thế giới. Không những thế, chiều sâu đội hình giúp Loew không quá ưu tư, dù Marco Reus gặp chấn thương ngay trước thềm World Cup. Với nguồn lực phong phú ấy, Loew có quá nhiều phương án dự phòng. Việc tung Klose cùng Schweinsteiger vào sân đã giúp Đức giải tỏa được những bế tắc trước đó trong trận đấu cùng Ghana, là một điển hình.
Ở phần sân đối diện, việc thiếu vắng chân sút Jozy Altidore do chưa hồi phục chấn thương sẽ buộc Klinsmann phải có những tính toán phù hợp, nếu không muốn đón nhận một kết quả tồi tệ. Bởi thầy trò Klinsmann có thể trả giá đắt một khi thất bại, do Bồ Đào Nha và đặc biệt là Ghana vẫn có cơ hội, nếu một trong hai đội ở cặp đấu này giành chiến thắng.
Với tính thực tế của mình, hẳn đội tuyển Mỹ lẫn Klinsmann đều không muốn mạo hiểm khi họ có thể mất tất cả, nếu thất bại. Và nếu đó là một trận hòa trước người Đức, cũng chẳng cần có một lời xin lỗi nào, bởi kết quả đó đủ bảo đảm lợi ích của đội tuyển Mỹ tại World Cup lần này.
Lịch thi đấu đêm 26 rạng sáng 27-6 Mỹ - Đức: 23 giờ ngày 26-6 (VTV3 trực tiếp) Bồ Đào Nha - Ghana: 23 giờ ngày 26-6 (VTV6 trực tiếp) Algeria - Nga: 3 giờ ngày 27-6 (VTV3 trực tiếp) Hàn Quốc - Bỉ: 3 giờ ngày 27-6 (VTV6 trực tiếp) |
BẢO AN