.
ĐỨC - ARGENTINA (CHUNG KẾT, 2 GIỜ, NGÀY 14-7, GIỜ VIỆT NAM)

Khi người Đức trở lại

.

Tất cả đối thủ sẽ phải e dè, nhất là khi vừa chứng kiến thầy trò Joachim Loew “tàn sát” đội chủ nhà Brazil 2014 trong trận bán kết 1. Song, quan trọng nhất là “chất Đức” đã được thể hiện rõ dần trong hành trình đến sân Maracana của đội tuyển Đức.

Với những ưu thế, cơ hội đang mở ra rất lớn với người Đức.
Với những ưu thế, cơ hội đang mở ra rất lớn với người Đức.

Vẫn những pha phối hợp mềm mại, hiệu quả nhưng lại có sự lạnh lùng, Đức đã thay đổi đáng kể. Không “hăng hái lao lên phía trước” để nhận những đòn phản công, không lạm dụng tiki-taka khiến đối thủ lẫn người xem phát chán và cũng không chăm chăm “phá lối chơi của đối phương trước khi xây dựng lối chơi cho mình”, đội tuyển Đức đã “thể hiện đúng lúc sự chín chắn” như ý kiến của Khedira.

Việc mất quá nhiều trụ cột như Marco Reus, Gundogan, Schmelzer, anh em nhà Sven và Lars Bender khiến Loew thường xuyên có những xáo trộn, nhằm xây dựng lối chơi phù hợp nhất. Tuy nhiên, tại Brazil 2014, sau từng trận đấu, Đức đã thể hiện những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chơi pressing và giành quyền làm chủ thế trận, các học trò của Joachim Loew hạn chế tối đa khả năng tiếp cận khung thành Neuer của các đối thủ. Đồng thời, trong những thời khắc quyết định, họ có thể tung ra những nhát kiếm đủ để kết liễu đối phương. Pháp và Brazil cảm nhận rõ nhất điều này.

Ở phía bên kia, bất lợi lớn nhất của Argentina vẫn là do sự lệ thuộc quá nhiều vào siêu sao Lionel Messi. Rất dễ thấy khi Messi bị kéo xuống thấp, sự sáng tạo trong những đường lên bóng tấn công của Argentina hầu như bị triệt tiêu. Ngay cả huyền thoại Maradona trong chương trình “De Zurda” của kênh truyền hình La TV Publica cũng thừa nhận, Argentina đã không chơi tốt trong trận bán kết nhưng cũng “phá được lối chơi của Hà Lan và đó là điều quan trọng”. Cũng với lối chơi này, Mascherano đã được đánh giá cao nhất trong đội hình Argentina khi trung vệ này khá thành công trong vai trò “khóa chân” Robben.

Thế nhưng, có một sự khác biệt rất rõ khi Đức không lệ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào như Argentina lệ thuộc Messi; còn Hà Lan trông chờ vào sự tỏa sáng của Robben. Không những thế, việc bố trí Messi đá thấp cũng là một thuận lợi cho Đức khi các tiền vệ Schweinsteiger, Khedira, Kroos… rất mạnh trong những tình huống tranh chấp. Trong khi đó, sự trở lại của Di Maria vẫn còn là dấu hỏi.

Bất chấp Maradona nhận định việc đánh bại Đức “không phải là không thể”, nhưng nhà cầm quân Sabella có lý do để lo lắng. Ông cho biết, một số cầu thủ Argentina bị đau, bị chấn thương nhẹ và rất mệt mỏi sau trận bán kết với Hà Lan. Không những thế, “Đức luôn là một trở ngại rất khó để vượt qua”. Việc được nghỉ ít hơn một ngày và cầu thủ phải căng sức thi đấu suốt 120 phút ở trận bán kết cùng Hà Lan cũng là nỗi lo rất lớn của Argentina. Sabella không quên nhắc lại, ở vòng 1/8 France 98, Argentina từng giành thắng lợi trước người Anh trên chấm phạt đền nhưng sau đó, chính họ bị Hà Lan loại tại vòng tứ kết do cầu thủ không còn bảo đảm thể lực.

Trong quá khứ, thành tích đối đầu tưởng như khá cân bằng khi Đức thắng 7, hòa 4 và thua 8 nhưng tại World Cup, Argentina chỉ mới một lần đánh bại Đức tại Mexico 86 (cùng với 1 trận hòa và 3 trận thua). Đó là trận thắng 3-2 với sự tỏa sáng rực rỡ của bộ ba Maradona - Valdano và Burruchaga, giúp Argentina lần thứ nhì đăng quang tại World Cup. Nhưng sau đó 4 năm, bàn thắng duy nhất của Brehme giúp người Đức phục hận và lần thứ ba giành World Cup tại Italia 90. Gần đây nhất, Argentina cũng thúc thủ đến 0-4 khi gặp Đức tại vòng tứ kết ở Nam Phi 2010. Trước đó, Đức cũng khiến Argentina ôm hận bằng chiến thắng 3-1 tại vòng bảng World Cup 1958 và 4-2 bằng thi đá luân lưu 11 mét ở vòng tứ kết World Cup 2006.

Lần này, cả Brazil cũng đứng sau lưng… người Đức! Đơn giản, bởi họ không muốn chứng kiến “kẻ thù truyền kiếp” Argentina xưng vương ngay tại “thánh địa” Maracana của mình. Đó sẽ là “điểm tựa” cần thiết cho Loew và các học trò tìm lại vinh quang cho cả một dân tộc sau 24 năm chờ đợi…

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.