.

Sự nghiệt ngã trên chấm phạt đền

.

“Những gì bạn cần là đi bộ 60 mét, thực hiện quả penalty và tìm kiếm bàn thắng”. Cựu hậu vệ đội tuyển Anh Stuart Pearce đã viết như thế trong cuốn tự truyện. Song, mọi thứ không đơn giản như vậy.

Trước khi Brazil 2014 khởi tranh, đã có 361 quả penalty, trong đó có 204 quả 11 mét luân lưu được thực hiện. Nhưng chỉ có 270 lần các cầu thủ sút thành bàn, tỷ lệ thành công 75%. Và trong những quả đá 11 mét luân lưu, có 60 pha sút hỏng hoặc thủ môn cản phá thành công.

Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, trận bán kết tại Espana 82 giữa Tây Đức và Pháp (ngày 8-7-1982) phải phân định thắng - thua trên chấm phạt đền, để cuối cùng Tây Đức đã giành chiến thắng nghẹt thở 5-4 sau 10 loạt đá luân lưu của cầu thủ hai đội.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận xét, với cú sút vào góc trên bên phải cầu môn (tức bên trái của thủ môn), tỷ lệ thành công đạt cao nhất với 88%. Cũng thật ngạc nhiên khi tỷ lệ thắng bàn cao thứ nhì, đến 83% lại đúng vào “vùng chết” của cầu môn là khu vực tầm trung, giữa cầu môn. Bởi thông thường các thủ môn hay chọn một góc để bay, trước khi quả bóng được sút đi. Cho nên, nếu người đá 11 mét có thần kinh vững vàng, cơ hội giành chiến thắng sẽ rất lớn.

Trong khi đó, những quả sút vào góc thấp, cả bên trái lẫn bên phải thủ môn, đều dễ gây khó khăn cho cầu thủ đá 11 mét. Có thể bóng sẽ nằm ngoài tầm khống chế của thủ môn nhưng cũng có thể chệch cầu môn hoặc bị thủ môn đón đỡ được. Vì thế, tỷ lệ thành bàn ở góc thấp bên phải chỉ 73% và ở góc thấp bên trái là 71%. Số bàn thắng được các cầu thủ ghi bằng chân phải cũng vượt xa những cầu thủ dứt điểm bằng chân trái (Ảnh minh họa).

Mặt khác, phần lớn các nhà cầm quân đều hiếm khi tin tưởng các hậu vệ trong sút 11 mét luân lưu và thực tế 77% quả sút trong 4 loạt đá đầu đều thuộc về các tiền vệ và tiền đạo. Dù chỉ được tin tưởng giao trọng trách thực hiện 26% quả phạt đền lẫn 11 mét luân lưu trong tổng số 361 quả penalty, nhưng tỷ lệ thành bàn do các hậu vệ thực hiện đạt 74% so với 71% của các tiền vệ. Trong khi đó, các tiền đạo đã không gây thất vọng khi đạt tỷ lệ thành bàn đến 83%.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra vấn đề tuổi tác và khẳng định, kinh nghiệm hoặc ít áp lực sẽ giúp các cầu thủ dễ thành công khi những cầu thủ từ 31 tuổi trở lên đạt tỷ lệ thành công 81% và cầu thủ từ 18-24 tuổi có tỷ lệ thành công 79%. Ngược lại, những cầu thủ ở “độ chín” từ 25-30 tuổi chỉ chiếm tỷ lệ thành công 71%.

Tại Brazil 2014, vòng đấu loại trực tiếp đã được khai diễn và không ít trận đấu phải được phân định bằng những loạt đá 11 mét luân lưu. Kể từ trận đấu đầu tiên tại Espana 82 giữa Tây Đức và Pháp, đến nay đã có 24 trận đấu phải phân định thắng - thua bằng những quả luân lưu 11 mét.

Theo Sportmail, Đức là đội bóng đạt hiệu quả gần như tối ưu trong thi đá 11 mét luân lưu khi thắng cả 4 và chỉ sút hỏng 1/18 quả 11 mét luân lưu của mình. Với chiến thắng 3-2 trước Mexico ở vòng 1/8, Brazil trở thành đội bóng đạt hiệu suất cao thứ nhì với 3 thắng, 1 thua; ngang bằng với thành tích của Argentina trước khi đội bóng này bước vào trận đấu vòng 1/8 với Thụy Sĩ (đêm 1-7, giờ Việt Nam). Ngược lại, thất bại trước Brazil khiến Mexico là đội có thành tích đá luân lưu thất vọng nhất với 3 trận toàn thua.

Bước vào vòng tứ kết, sự ngang bằng về trình độ có thể sẽ buộc các trận đấu phải được phân định bằng những quả đá 11 mét luân lưu. Và người xem lại có cơ hội chứng kiến những màn đấu súng đầy cân não, vốn không dành cho những khán giả yếu tim.

NGUYÊN AN
 

;
.
.
.
.
.