Có một điều khá nghịch lý là trong khi nước chủ nhà Brazil đang điêu đứng vì gánh nặng tổ chức World Cup 2014 thì FIFA đã thu về con số ước đoán 4 tỷ USD cho sự kiện bóng đá sẽ diễn ra trong vòng một tháng tới.
Giận cá chém thớt. Người dân Brazil đang tức giận với FIFA vì chuyện World Cup làm khổ họ |
Brazil càng lúc càng căng thẳng
Những câu chuyện biểu tình liên miên phản đối World Cup của người dân Brazil những tưởng sẽ hạ nhiệt khi ngày khai mạc càng đến gần, thế nhưng sự thật lại trái ngược. Càng đến ngày bóng lăn, không khí ở các thành phố lớn của Brazil càng ngột ngạt.
Cách đây ba hôm người dân ở thủ đô Brasilia đã kéo đến các ga tàu điện dẫn đến sân vận động Mane Garrincha để tụ tập phản đối xung quanh các vấn đề phúc lợi xã hội và vấn nạn tham nhũng, đục khoét ở các công trình xây dựng.
Trong con số 12 đến 14 tỷ USD mà Brazil dự toán chi cho việc tổ chức World Cup, tiền để xây 12 SVĐ chiếm hơn một nửa. Điều đáng nói là Brazil chỉ xây mới 4 SVĐ và sửa sang, tu bổ 8 SVĐ đã có sẵn nhưng tiền để xây một loại “rẻ rẻ” cũng trên 210 triệu USD (sân Pantanal ở thành phố Cuiaba) và đắt nhất lên đến 900 triệu USD (sân Garrincha) hay 850 triệu USD (sân Corinthians ở Sao Paulo).
Ngay cả SVĐ huyền thoại Maracana xây từ thời World Cup 1950 giờ tu bổ lại đã ngốn số tiền khổng lồ 536 triệu USD. Một con đường sắt cao tốc ở Rio de Janeiro phục vụ cho World Cup có giá 700 triệu USD là một trong những hạng mục siêu đắt khác mà Brazil đã chi ra.
Cần biết rằng sân Emirates của CLB Arsenal với sức chứa 60.000 chỗ, hiện đại bậc nhất thế giới chi phí xây mới hoàn toàn mất 390 triệu bảng (khoảng 650 triệu USD) trong khi giá nhân công, vật tư của Anh đắt nhiều so với ở Brazil.
Chi tiền hoang phí kiểu đó, dân Brazil không nổi điên mới là lạ!
FIFA không liên quan chuyện “ăn mặn khát nước” của Brazil
Với tư cách là đơn vị nắm thương quyền giải World Cup, FIFA đã có doanh thu ước tính 4 tỷ USD ở World Cup 2014, tăng 66% so với doanh số 2,4 tỷ USD của World Cup 2010.
Trong số 4 tỷ USD mà FIFA kiếm được bản quyền truyền hình chiếm lớn nhất với 1,7 tỷ USD. Tiền từ nhà tài trợ chiếm 1,352 tỷ USD gồm 6 nhà tài trợ hạng A (Coca-Cola, Adidas, Sony, Emirates, Huyndai, Visa Card) và 8 nhà tài trợ hạng B (Mc Donald, Johnson&Johnson, Castrol, Continental, Budweiser, Moy Park, Oi, Yimgli).
Gần 1 tỷ USD còn lại chảy vào túi FIFA đến từ tiền bán vé, đồ lưu niệm, dịch vụ, thương quyền quảng cáo…
Với 4 tỷ USD doanh thu, FIFA chi ra gần 576 triệu USD tiền thưởng, tiền “cát-xê” cho 32 đội dự giải (đội vô địch nhận 35 triệu USD, đội góp mặt ở VCK có 8 triệu USD) và tiền bảo hiểm cầu thủ. FIFA đã chi cho nước chủ nhà 221,6 triệu USD để làm các khâu dịch vụ phục vụ World Cup và 20 triệu USD để đảm bảo truyền hình được hanh thông, suôn sẻ. Ngoài ra, FIFA phải trả 70 triệu USD cho các CLB có cầu thủ dự World Cup và 48 triệu USD cho 32 Liên đoàn bóng đá có đội tuyển dự World Cup
Tóm lại, FIFA chi chưa đến 1 tỷ USD trong tổng số 4 tỷ USD mà họ thu được từ World Cup 2014. Số tiền 3 tỷ USD xem ra nằm gọn trong túi FIFA sau khi trừ tất cả khoản chi.
Trong chuyện này người dân Brazil không có quyền trách FIFA. FIFA thu lãi từ con gà đẻ trứng vàng World Cup là đương nhiên. Còn chuyện tổ chức khéo léo để làm sao sinh lãi, thu được lợi nhuận là do tài năng, sự gói ghém của nước chủ nhà.
Chính phủ Brazil đã “đốt” tiền cho World Cup nên họ phải gánh chịu sự thịnh nộ của người dân vì rõ ràng FIFA không ép quốc gia nào phải đăng cai World Cup mà ngược lại các quốc gia phải giành giật nhau để hưởng vinh dự này.
Cách đây tròn 20 năm khi World Cup 1994 tổ chức ở Mỹ thì người Mỹ “chẳng thèm” xây mới bất cứ một sân nào, thậm chí tu bổ hay nâng cấp cũng không nốt. Tất cả các SVĐ mà người Mỹ tổ chức là các sân bóng đá kiểu Mỹ đang được sử dụng ở giải NFL. Giải đấu đó, người Mỹ phải nói đã lời to từ lượng khách du lịch, CĐV khổng lồ cùng vô số dịch vụ ăn theo World Cup.
MTG