Giành HCĐ Cúp Quốc gia rồi thứ hạng 6 tại V-League 2010, vào tứ kết AFC Cup 2010 là những thành tích không quá thất vọng, nhưng nhớ lại hành trình đầy vất vả tránh suất play-off, một lãnh đạo của SHB Đà Nẵng phải thốt lên: “Đó thực sự là nỗi nhục”.
Cùng hướng về một phía, SHB Đà Nẵng (áo nhạt) là một đối thủ đáng kể cho mọi đối thủ... |
Dù rằng, nặng nề lắm khi đánh giá như thế song cũng không ngoa để nhìn lại hành trình nhọc nhằn của thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức chỉ cho mục tiêu trụ hạng. Đã có quá nhiều đánh giá, phân tích về một mùa bóng đáng quên của đội vô địch V-League 2009. Dù chính xác hay chưa, cũng là những đóng góp dưới nhiều góc nhìn để thầy trò Lê Huỳnh Đức tìm ra một đáp án đúng nhất cho mình. Thế nhưng, đáng nói hơn khi đã có những thông tin đáng tin cậy về việc một số cầu thủ thẳng thừng phát biểu: “Đá play-off kiếm được nhiều tiền hơn!”.
Không ngẫu nhiên để họ có thể vô hại đến không tưởng trước những đối thủ như Navibank Sài Gòn dù trước đó, SHB Đà Nẵng từng khiến “người anh em” Hà Nội T&T khóc hận bằng chiến thắng 2-0. Cho nên, không hẳn những chấn thương, thẻ phạt đủ sức làm suy yếu một SHB Đà Nẵng từng được xem là “có đủ 2 đội hình mạnh để dự tranh cùng lúc tại V-League”. Vì thế, nếu cho rằng, sự suy yếu bắt nguồn từ “cái đầu” lẫn “đôi chân” cầu thủ cũng đúng, mà từ những sai lầm của Ban huấn luyện cũng chẳng sai.
Thực tế, suốt giai đoạn 1 với mật độ thi đấu gấp đôi các đối thủ, thầy trò Lê Huỳnh Đức đã có một giai đoạn thăng hoa để dẫn đầu bảng xếp hạng sau lượt đi và sớm giành quyền vào vòng 1/8 AFC Cup. Thời gian ấy, họ đã biết chiến đấu vì niềm kiêu hãnh của những nhà vô địch Việt Nam, thay cho lối suy nghĩ vị kỷ. Đáng tiếc, những sai lầm của Ban huấn luyện cùng không ít toan tính của một bộ phận cầu thủ đã dần khiến SHB Đà Nẵng rơi tự do xuống nửa dưới của bảng xếp hạng trước những vòng đấu cuối.
May thay khi ở chặng quyết định, lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh vốn có được khơi gợi đúng lúc đã giúp đội quân của Lê Huỳnh Đức biết vươn lên mạnh mẽ với 2 chiến thắng liên tục, dù bại tướng của họ chỉ là Lam Sơn Thanh Hóa và Nam Định.
Sau khi V-League 2010 kết thúc, cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo CLB và ông Đỗ Quang Hiển - đại diện cho SH Bank - cùng tập thể CLB đã có những đánh giá, trao đổi được cho là “nhẹ nhàng, thoải mái” với mục tiêu, tiếp tục hướng đến một sự tác hợp chặt chẽ, lâu bền giữa SH Bank và bóng đá Đà Nẵng. Nỗi lo về một cuộc “tháo chạy” hàng loạt đã không xảy ra.
Ngoài Quang Tuấn, Quốc Thanh và Quang Cường chấp nhận tái ký hợp đồng, thủ môn Đức Cường đã chính thức về Hòa Phát Hà Nội. Trong khi đó, tiền vệ Thanh Phúc gần như sẽ đầu quân dưới trướng người bác ruột Phan Thanh Hùng ở Hà Nội T&T vào mùa giải tới. Về các cầu thủ ngoại, Merlo chấp nhận một bản hợp đồng kéo dài 2 năm, khi với anh và gia đình, môi trường ở Đà Nẵng - không chỉ bóng đá - hoàn toàn phù hợp. Nicolas lẫn Matias vẫn tiếp tục khoác áo SHB Đà Nẵng tại V-League 2011.
Với 9 cầu thủ sẽ mãn hạn hợp đồng vào cuối mùa giải 2011 cũng đã nhận được lời kêu gọi của ông Đỗ Quang Hiển:
- SHB sẵn sàng tái ký hợp đồng với mức lương ngang bằng hoặc hơn các đội bóng khác và đúng giá trị thật của các bạn, chứ không thể thua kém hơn. Tuy nhiên, chúng tôi mong mỏi các bạn tiếp tục cống hiến cho bóng đá Đà Nẵng, vì đó còn là tình cảm quê hương, vì “màu cờ, sắc áo”...
Lúc này đây, xem ra SHB Đà Nẵng đã có thể an tâm hướng đến mùa giải mới với sự tỉnh táo, chín chắn hơn sau những cú ngã đáng nhớ tại V-League 2010. Và tất cả đang đợi chờ một sự đổi thay tích cực, từ cả tướng lẫn quân, để SHB Đà Nẵng khẳng định vững chắc hơn vị thế của mình trên sân cỏ quốc gia...
NGUYÊN AN