.

Thương hiệu bóng đá Trẻ Đà Nẵng

.

Nếu CLB chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng không thể mang lại niềm vui cho người hâm mộ bóng đá sông Hàn khi mùa giải 2010 kết thúc thì ngược lại, các cầu thủ trẻ Đà Nẵng vẫn tiếp tục khẳng định sự thành công đáng kể ở các giải đấu quốc gia.

Mô tả ảnh.

HLV Võ Phước (giữa), một trong những HLV có nhiều đóng góp vào thành công chung của bóng đá Trẻ Đà Nẵng.

Chỉ 1 tuần sau khi các học trò của HLV Võ Phước chấm dứt 6 năm thống trị liên tiếp của Sông Lam Nghệ An tại giải bóng đá U-17 - Cúp Báo Bóng đá, HLV Lê Văn Hà tiếp tục dẫn dắt lứa cầu thủ U-15 Đà Nẵng đoạt ngôi Vô địch bóng đá U15 quốc gia - Cúp Aspire Academy 2010… Chưa kể đến ngôi vô địch U-21 đang được các học trò HLV Bùi Thông Tuân sở hữu.

Không ngẫu nhiên để bóng đá Trẻ Đà Nẵng xây dựng được “thương hiệu” khi họ đã từng khao khát trở thành một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như Nghệ An, Nam Định hay Đồng Tháp… đã làm được. Một thời, Đà Nẵng từng có những gương mặt trẻ nổi bật như Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Trương Khánh hay Đỗ Ngọc Thế… Nhưng rõ ràng, chừng đó chưa đủ để bù đắp một khoảng trống quá lớn khi công tác đào tạo trẻ trong thập niên 1990 hầu như bị bỏ mặc.

Một yếu tố khách quan cũng tác động không nhỏ  là những người làm bóng đá ở Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn VĐV, dù số lượng dân cư ở thành phố xấp xỉ 1 triệu người. Bởi con đường trở thành VĐV thể thao không bao giờ là lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh với con cái của mình. Do đó, công tác tuyển sinh, đào tạo khó khăn gấp bội.

 Ngoài sự thiếu thốn cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, học tập, rèn luyện… của các tuyến trẻ, còn những vấn đề khác như hạn chế về trình độ của đội ngũ HLV, rồi hệ thống đào tạo chưa đạt đến sự thống nhất trong chiến lược đào tạo, đủ để đáp ứng yêu cầu của các tuyến trên…

Trong quá nhiều khó khăn ấy, chủ trương của thành phố cho phép hình thành Trung tâm Đào tạo Bóng đá Trẻ từ đầu những năm 2000 như một sự khơi thông cần thiết. Cùng với chính sách đãi ngộ hợp lý, sự chăm chút cho tương lai của lứa cầu thủ măng non được quan tâm hết mực. Bởi theo quan điểm của thành phố lẫn Trung tâm Đào tạo Bóng đá Trẻ Đà Nẵng, “trước khi đào luyện các em thành cầu thủ giỏi. cần phải đào tạo các em thành người tốt”. Như tâm sự của HLV Võ Phước:

- Chỉ có lòng yêu nghề và sự đam mê mới giúp các HLV gắn bó nhiều hơn với các thế hệ học trò của mình. Nếu không sống hết mình, thiếu sự công tâm và không có được tình cảm yêu thương thực sự của một người thầy, một người cha, không một HLV nào có thể thành công; đặc biệt trong công tác đào tạo trẻ.

Năm 2003, bóng đá trẻ Đà Nẵng có được “mùa quả ngọt” đầu tiên khi lứa cầu thủ U-21 với những Phước Vĩnh, Thanh Phúc… đã mang về cho quê hương chiếc Cúp Vô địch Bóng đá U-21 Báo Thanh Niên. Để liên tiếp

2 mùa giải 2008-2009, Nguyên Sa, Cao Cường, Thanh Hưng, Văn Học, Hoàng Quãng… tiếp tục giữ lại ngôi vô địch U-21 cho bóng đá sông Hàn. Chính tính kế thừa và việc xây dựng nền tảng khá căn cơ cho những bước tiến, mới chính là sự khác biệt để bóng đá sông Hàn luôn duy trì được vị thế của mình trong làng bóng đá Việt Nam.

Vì thế, không phải bỗng dưng để rất nhiều bậc cha mẹ tin tưởng tuyệt đối đưa con em từ Nghệ An, Tuyên Quang, Thái Nguyên… vào gửi gắm với mong ước, con họ không chỉ trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp mà còn trưởng thành như ước muốn. HLV trưởng SHB Đà Nẵng Lê Huỳnh Đức từng bày tỏ: “Chúng tôi rất tự hào khi bóng đá Đà Nẵng vẫn giữ được bản sắc của mình. Cho dù bóng đá trẻ Đà Nẵng vẫn chưa có được một bảng thành tích vượt trội song kết quả đạt được vẫn do tự thân của những người làm bóng đá Đà Nẵng và không có sự vay mượn”.

Thành quả ấy được ghi nhận khi trong màu áo đội tuyển U-16 quốc gia, có đến 7 gương mặt của bóng đá Trẻ Đà Nẵng được gọi tập trung. Ở đội tuyển U-19 Việt Nam, hậu vệ Lê Thái Quang, tiền vệ Nguyễn Văn Thạnh và cặp tiền đạo Hà Minh Tuấn, Giang Trần Quách Tân cũng là những tuyển thủ nòng cốt tại giải Bóng đá U-19 châu Á sẽ khởi tranh vào tháng 10 tại Sơn Đông (Trung Quốc). Hay trong cuộc tuyển chọn của chương trình “Giấc mơ sân cỏ 2009” (Football Dreams 2009), một trong ba cầu thủ U-15 của Đà Nẵng là Nguyễn Thái Sung đã được Học viện Aspire (Qatar) tiếp nhận đào tạo trong 3 năm. Gần đây nhất, 2 cầu thủ U-15 Đà Nẵng là Lê Văn Chung và Cao Thanh Hòe tiếp tục được lọt vào vòng chung kết tuyển chọn tài năng bóng đá trẻ thế giới của Học viện Aspire trong chương trình “Giấc mơ sân cỏ 2010” (Football Dreams 2010).

Đến lúc này, “thương hiệu” của bóng đá Trẻ Đà Nẵng được khẳng định một cách chắc chắn khi cấu trúc của hệ thống bóng đá Đà Nẵng đã ổn định thực sự. Và chính từ sự đầu tư, chăm chút một cách căn cơ từ nhiều năm qua của thành phố Đà Nẵng, bóng đá Đà Nẵng đã gặt hái được thành công, chứ không chỉ đơn thuần bỏ tiền để mua thành công như cách nghĩ của nhiều người.

BẢO AN                                                                

;
.
.
.
.
.