.

Cầu thủ ngoại "làm loạn": Tại anh, tại ả!

.
(ĐNĐT) - Lượt đi V-League 2011 sắp kết thúc, song những phức tạp ở không ít CLB mới bắt đầu bùng phát.

Mô tả ảnh.
Dù chưa “làm loạn” như Timothy hay Samson, Kalifa (phải) vẫn đang khiến SHB Đà Nẵng e ngại…
Mở màn là chuyện Samson bị thẻ đỏ trong trận đấu không thực sự căng thẳng trước các vị khách Ninh Bình. Hay như Timothy, dù thường xuyên “làm loạn” vẫn được Hòa Phát Hà Nội giữ chân khi không còn sự lựa chọn nào khác.

Chẳng đâu xa, đầu mùa giải, từng tuyên bố chia tay Đồng Tháp khi hấp lực của đồng tiền mạnh hơn tình nghĩa và đến khi đội bóng Tháp Mười chấp nhận chi thêm 100.000 USD, Samson mới chấp nhận ở lại. Lần này, chiếc thẻ đỏ được nhìn nhận theo hướng, Samson cố tình “xin thẻ” để không phải thi đấu 2 vòng đấu cuối lượt đi.

Trước trận đấu với Ninh Bình, tiền đạo này đã có sự chuẩn bị khá vật vờ, không nghiêm túc. Thậm chí, trong buổi sáng họp kỹ thuật, Samson đã chủ động yêu cầu không bố trí anh vào đội hình. Vậy mà, ngay trước giờ ra sân, Samson nằng nặc đòi đá chính và đã tạo nên tình huống dở khóc, dở cười cho ông Phạm Công Lộc.

Cũng dễ lý giải, khi Samson chỉ còn chưa đến 6 tháng hợp đồng cùng Đồng Tháp, đồng nghĩa với việc anh có quyền thương thảo với bất kỳ đội bóng nào để tìm kiếm hợp đồng mới. Và việc “xin thẻ” giúp cầu thủ này có nhiều thời gian “làm giá” cũng như tránh được những chấn thương có thể (!?).

Trong khi đó, dù không kém Samson về những mặt trái và nhận được nhiều phản đối từ các đồng đội trong cả sinh hoạt, tập luyện lẫn thi đấu, nhưng Timothy lại rất được HLV Nguyễn Thành Vinh ưu ái bởi Timothy chính là cây ghi bàn chủ lực cho đội bóng thủ đô với 6 lần tung lưới đối phương.

Thậm chí, yên ổn như SHB Đà Nẵng, song không phải tất cả đều suôn sẻ. Và người tạo nên những “vấn đề” của đội bóng sông Hàn chính là Kalifa Dembele. Sau những trận đấu đầu mùa tạo được ấn tượng tốt, cầu thủ này đã có những biểu hiện trái khoáy đến độ một lãnh đạo của SHB Đà Nẵng cũng phải lên tiếng: “Chỉ mới tạo được ấn tượng qua vài trận, tiền vệ này bắt đầu chểnh mảng và hiệu suất thi đấu kém đi trông thấy”.

Thế nhưng, khi đặt vấn đề thanh lọc lại lực lượng sau khi lượt đi kết thúc, hầu hết các CLB đều rất ngại thanh lý hợp đồng bởi số tiền bồi thường hoặc “lót tay” để “tống tiễn” các cầu thủ kém hiệu quả hoặc “giở chứng” không phải nhỏ. Và CLB nào lâm vào tình cảnh “tiền mất, tật mang” hẳn sẽ thấy được nỗi niềm của những Đồng Tháp, Hòa Phát Hà Nội…

Hẳn nhiên, những cầu thủ này phải chịu trách nhiệm chính về việc họ đang muốn “phá” để được ra đi, kèm theo một khoản tiền bồi hoàn không nhỏ. Song bản thân các CLB chẳng phải vô can.

Những khoản chuyển nhượng ngất ngưởng, mức lương đến hàng chục nghìn USD cùng một núi tiền thưởng cho những bàn thắng… được chi vô tội vạ đã biến không ít cầu thủ ngoại thành những kẻ ích kỷ. Và khi bị đồng tiền chi phối, họ sẵn sàng tìm mọi cách để kiếm nhiều tiền hơn.

Cùng với sự bất lực, nuông chiều của từng CLB, việc các CLB chèo kéo cầu thủ của nhau khiến tình hình ngày càng khó kiểm soát. Giả định, nếu các CLB có sự hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc sử dụng cầu thủ cùng với việc đặt lợi ích chung lên cao nhất; chắc chắn, sẽ hạn chế tối đa tình trạng “hỗn quân” như hiện nay.

Vì thế, sự việc này, cũng “tại anh, tại ả; tại cả đôi bên” mà thôi!

NGUYÊN AN
;
.
.
.
.
.