Brazil hạ Cameroon 5 bàn trắng, Mỹ vượt qua Pháp với tỉ số áp đảo 4-2, đương kim vô địch thế giới Nhật Bản thắng sát nút chú ngựa ô Canada 2-1…, thế vận hội London khởi động bằng cuộc tranh tài sôi động trên sân bóng đá nữ. Nụ cười chiến thắng xen lẫn nỗi buồn bại trận, không trận nào giống trận nào, những cuộc thư hùng trên sân cỏ nữ như những bức tranh đủ sắc màu, nhiều rung động.
Nhật Bản (áo sậm) thắng sát nút chú ngựa ô Canada 2-1. (Ảnh tư liệu) |
Khán giả gặp lại ngôi sao Brazil Marta với những đường chuyền như dọn cỗ cùng điệu nhảy dịu dàng bên đồng đội sau phút ghi bàn; mái tóc dài tung tẩy sau vai và dáng chạy tả xung hữu đột của cô gái Nhật Homare Sawa; vẻ lộng lẫy duyên dáng chẳng khác nào người mẫu của Hope Solo trong khung thành đội Mỹ… Những Kelly Smith (Anh), Alex Morgan (Mỹ) cũng góp vào khúc dạo đầu nhiều đường nét hứa hẹn cuộc tranh tài dành cho phái nữ sẽ hấp dẫn, lôi cuốn đến trận cuối cùng.
So với các cầu thủ nam, các thông số về kỹ thuật cá nhân, lối chơi đồng đội của các cô có thể không sánh kịp nhưng vì sao nhiều cuộc tranh tài của bóng đá nữ lại nhận được sự chờ đợi, cổ vũ nhiệt thành của người xem? Chẳng khó tìm ra câu trả lời: chất hồn nhiên, tươi nhuận, sự tận lực hết mình là phẩm chất riêng có của các cô và chính điều này làm thỏa lòng khán giả vốn chứng kiến ngày càng nhiều cảnh cay cú ăn thua, những tính toán phi thể thao diễn ra đầy dẫy trên sân chơi của quý ông. Cả nỗi vụng về trong các pha xử lý, tranh chấp cũng khiến người xem có thêm nụ cười hơn là lời chê trách. Trò chơi mà! Thiếu đi hồn nhiên, sôi nổi, vắng bóng tiếng cười và lòng bao dung, cuộc chơi khô cứng, lạnh lẽo biết bao. Những Champions League, Euro có thể giàu có về kỹ thuật, đẳng cấp nhưng chắc chắn còn lâu mới bì được “chất người” của sân cỏ nữ, nơi nước mắt nụ cười song hành trong một thông điệp làm thăng hoa cảm xúc và phong phú tâm hồn.
Khán giả Việt Nam có thể phải cảm ơn nhiều hơn sân chơi bóng đá nữ vừa mở ra ở London những ngày này vì nhờ có nó mà người ta phần nào xua đi cảm giác u tối từ những chuyện không hay trên sân cỏ nước nhà. Những khiêu khích, va chạm liên tục xảy ra trong và ngoài sân bóng, mới nhất là xô xát giữa các nhóm cổ động viên Kiên Giang và Sông Lam Nghệ An; những hình ảnh cay nghiệt, xa lạ với thể thao như chuyện cổ động viên Hải Phòng trương biểu tượng chiếc quan tài trên sân Lạch Tray để dè bỉu đội nhà làm không khí V-League nặng nề, u ám biết bao! Buồn hơn cả là chúng diễn ra thường xuyên trên các sân bóng đến mức trở thành một thói quen, một “góc văn hóa” dễ dãi sẵn sàng được chấp nhận trong cảnh thờ ơ, buông xuôi của các nhà tổ chức, điều hành.
Cảm ơn nhiều vì chính những Marta, Homare Sawa những ngày này làm quên đi những chạy đua tính toán, những ngờ vực tranh tụng liên quan đến một V-League căng thẳng cay nghiệt cuối mùa. Làm sao tìm được hồn nhiên thanh thoát ở một đấu trường vốn được dựng lên bằng nỗ lực đua tranh khoe mẽ hợm hĩnh, vì “tiếng gáy” hơn là vì các giá trị thuần chất thể thao!
Cho hồn nhiên sẽ nhận được hồn nhiên, gieo cay độc ắt phải đón chờ sự ruồng rẫy, có người cảnh báo những V-League, hạng Nhất mùa sau coi chừng thiếu vắng người xem. Nếu điều này xảy ra- và trên thực tế đã xảy ra rồi- thì làm sao trách cứ khán giả. Bóng đá phải là sân chơi!
ĐÌNH XÊ