.

Nhìn lại hành trình vô địch của SHB.ĐN

.

Đà Nẵng bây giờ là môi trường đáng mơ ước, là thành phố thực sự đáng sống đúng nghĩa. Bóng đá Đà Nẵng cũng vậy, đầy tài nguyên, nếu không thành công thì do không biết cách mà thôi.

5 năm cầm quân, Huỳnh Đức đã có hai chức VĐQG cùng Đà Nẵng. Ảnh: V.S.I
5 năm cầm quân, Huỳnh Đức đã có hai chức VĐQG cùng Đà Nẵng. Ảnh: V.S.I

Ngày đón và tuyên dương tân vương V-League tại Hội trường UBND TP.Đà Nẵng, ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh “trách khéo” rằng 12 năm mà bóng đá Đà Nẵng chỉ 2 lần đoạt chức V-League là quá ít.

Đúng là ít

Ngẫm lại quả là thế thật. Xét về vị thế, truyền thống, bóng đá Quảng-Đà là một thế lực khá ghê gớm mà chức vô địch năm 1992 chưa nói hết sức mạnh vô song của bóng đá mảnh đất này, những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước.

Khi bóng đá nước nhà lên chuyên, đội bóng bên sông Hàn cũng thực sự là nơi thèm khát của các cầu thủ địa phương khác, kể cả ngoại binh. Nguyên nhân chính, chế độ được hưởng nơi đây là rất tốt, nếu không nói bậc nhất trong hệ thống các đội bóng đá bao cấp.

Thuê thầy ngoại, tập huấn nước ngoài, Đà Nẵng cũng tiên phong với cách làm rất riêng của mình. Sân Chi Lăng là nơi tề tựu rất sớm của những tên tuổi lớn. Còn nhớ, khi SLNA vô địch năm đầu tiên với 2 ngoại binh “hàng khủng” là Iddi, Lulenti, lập tức mùa sau Đà Nẵng đã mua về để phục vị tham vọng bá chủ ngay trong năm lên chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu, đào tạo trẻ là “đỉnh”. Chẳng thế năm 2010, lãnh đạo SLNA “cắp cặp” vào thị sát mô hình bóng đá Đà Nẵng đã phải choáng mà mơ ước: giá như bóng đá Nghệ An cung có cơ ngơi như thành phố lớn nhất miền Trung.

Khi SHB nhảy vào, bóng đá Đà Nẵng như được chắp thêm cánh. Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cộng hưởng với cơ chế tài chính thông thoáng, bạo chi của bầu Hiển, còn gì mơ ước hơn. Nhìn lại đã 12 năm chuyên nghiệp, trong đó Đà Nẵng có 11 tuổi chuyên, với những thuận lợi đặc biệt như thế mà chỉ vô địch 2 lần, nói ít là không quá lời.

Bụt chùa nhà không thiêng

Sự thăng hoa của bóng đá Đà Nẵng trong hơn thập niên qua, gắn với những tên tuổi vốn không sinh ra và “uống nước” sông Hàn. Năm 2005, chiến tích á quân, thành tích tốt nhất sau 13 năm, lại thuộc về HLV Lê Thụy Hải.

2 ngôi vô địch V-League, sự đột khởi của bóng đá Đà Nẵng ngoài cái bóng bao phủ của bầu Hiển, gắn nhiều với dấu ấn của HLV Lê Huỳnh Đức. Bóng đá Đà thành có rất nhiều HLV từng thành công sớm, “ăn cơm” giải VĐQG sớm, nhưng không cách nào giúp cho bóng đá đỉnh cao địa phương hồi sinh được.

Đấy là nỗi đau, có cả sự dày vò mà họ chỉ biết tư trách mình. Trong khi đó, họ từng sở hữu lứa tài năng cực hiếm, hiện giờ vẫn trụ cột cho đường đến ngôi vô địch năm nay.

Những thành công ban đầu của HLV Lê Huỳnh Đức, thực ra xuất phát từ việc ông “khéo vẽ thì tròn”, cộng thêm thức thời và được tương hỗ bởi là người có thời vận một cách hiếm có. Cầm quyền khi được bầu Hiển hỗ trợ tuyệt đối cả “gậy” và “củ cà rốt”, lãnh đạo TP.Đà Nẵng giúp đỡ tối đa. Lực lượng quá tinh nhuệ, đầy chất địa phương, trong giấc mơ luôn nghĩ tới có ngày vô địch….

Huỳnh Đức quá độ đúng nghĩa. Ông lên làm quản lý, làm HLV chuyên nghiệp khi mới chỉ tập tành cầm sa bàn, thậm chí chưa chinh chiến một giải trẻ nào. Thế nhưng, sau gần 5 năm cầm quân, HLV này có một bước tiến quá dài.

Nếu như ngôi vô địch năm 2009 mang tính chất “điều phải đến đã đến” khi cầu thủ Đà Nẵng không màng gì ngoài đá bóng với khát khao vô địch cháy bỏng, thì năm này dấu ấn chuyên môn của Huỳnh Đức rõ nét hơn. Mất Merlo, Huỳnh Đức “vẽ” khá tốt với những chất liệu còn lại. Đấy là quá trình học nghệ nghiêm túc, lao động hết mình của HLV này. Và có cả sự thay đổi về cách dụng nhân, Huỳnh Đức cũng đắc nhân tâm hơn, cho dù  “chưa tới”, để rồi suýt bị phá sản giấc mộng vô địch khi cầu thủ lỏng chân 3 trận áp chót khiến cho chức vô địch mất giá rất nhiều.

Thành công của Huỳnh Đức, cũng gợi mở cho những ai đang dấn thân với nghề HLV chuyên nghiệp nhưng chỉ mới trội chất “thợ” nhưng vẫn có thể mơ thành “thầy” giỏi nếu như yêu nghề + gặp thời vận. “Cò” Đại suýt làm nên... đại nghiệp đấy thôi.

TT&VH

;
.
.
.
.
.