Dễ phải đến 5 năm rồi, người Đà Nẵng mới có niềm vui trọn vẹn trong chiến thắng của ĐTQG. Đơn giản, bởi đây là lần hiếm hoi trong thời gian đó, dấu ấn của bóng đá bên sông Hàn mới khá đậm đà.
Tiếng sông… Hàn thở than!
Nguyên Sa, một trong 4 cầu thủ SHB.ĐN đang khoác áo đội tuyển quốc gia. |
SEA Games 1991, tức thời điểm đánh dấu sự tái hòa nhập của bóng đá VN với dòng chảy khu vực và thế giới, ĐTVN năm đó thành phần được tập trung ban đầu, nòng cốt vẫn đội Công nhân Quảng Nam-Đà Nẵng, dưới sự dẫn dắt của HLV lão làng Vũ Văn Tư. Thời điểm đó bóng đá Quảng-Đà sở hữu lực lượng cực khủng, trong đó có Phan Thanh Hùng, người đang giữ trọng trách HLV trưởng ĐTQG hiện nay.
Nhưng sau thế hệ vàng đó, đại diện của bóng đá Đà Nẵng trên ĐTQG chỉ còn mỗi Hùng Dũng, mà trung vệ này cũng chẳng phải là trụ cột không thể thay thế. Phải mất rất nhiều thời gian, mảnh đất này mới sản sinh nên một lứa cầu thủ có chất, đánh dấu sự trở lại bằng ngôi vô địch VCK U21 toàn quốc năm 2003. Bóng đá Đà Nẵng trình làng một loạt gương mặt trẻ đầy hy vọng như Quốc Anh, Phước Vĩnh, Thanh Phúc, sau chút nữa có Thanh Hưng, Nguyên Sa, Hoàng Quảng, Hùng Sơn, Văn Mẹo, Cao Cường, Văn Học…
Năm 2005, SEA Games 23, những tưởng bóng đá Đà thành nếm trọn niềm vui sau thời gian dài có 3 cầu thủ đá chính ở ĐT (Quốc Anh, Phước Vĩnh, Đức Cường), vậy nhưng sai lầm tuổi trẻ của Quốc Anh và Phước Vĩnh đã phủ một đám mây u ám không chỉ vào tương lai của 2 cầu thủ này. Có ở Đà Nẵng thời điểm ấy, mới thấy hết sự hụt hẫng của người dân địa phương này. Phải nói là rúng động, vì tác động xấu của bóng đá năm đó là cực lớn. Đã vậy,những phát biểu có phần bạt mạng của HLV Lê Thụy Hải (HLV trưởng Đà Nẵng lúc đó kiêm trợ lý cho HLV Alfred Riedl) sau SEA Games 23 như đổ thêm một thùng dầu vào đám cháy.
Như một vận hạn, hay có thể gọi là định kiến, sau đó dấu ấn của bóng đá Đà thành trên ĐT vô cùng nhạt nhòa. SEA Games 24 (2007), họ chỉ đóng góp mỗi thủ môn Đức Cường. Có điều, cùng với Tô Vĩnh Lợi, 2 anh chàng này đã thay nhau gây thất vọng não nề. AFF Suzuki Cup 2008, đại biểu duy nhất của Đà Nẵng là hậu vệ Quang Cường. Cường cũng ít được ra sân đá chính, nên ngôi vô địch hẳn cũng không trọn vẹn với anh và khán giả bên sông Hàn.
Cho dù liên tiếp vô địch U21 các năm 2008, 2009, đội một SHB.ĐN đăng quang V-League vậy mà SEA Games 25 (2009) tại Lào, ông Calisto chỉ chọn 2 cầu thủ SHB.ĐN là Thanh Hưng và Hoàng Quảng. Cùng với thất bại chung của U23 VN, người ta cũng nhanh chóng quên đi 2 người con xứ Quảng-Đà năm ấy.
Tại AFF Suzuki Cup 2010, Đà Nẵng đóng góp mỗi Thanh Hưng, còn SEA Games 26 năm 2011, hoàn toàn bặt bóng lính sông Hàn!
Lấy lại những gì đã mất, được chăng?
Bóng đá VN lúc này, ở cấp độ ĐTQG, nghiễm nhiên niềm hy vọng đang đặt lên vai của một ông HLV uống nước sông Hàn- Phan Thanh Hùng. Ông Hùng không ít phen đã làm mát mặt người Đà Nẵng, nên HLV này đang là niềm tự hào của dân Đà thành. Nếu đưa ĐTVN vô địch AFF Suzuki Cup năm nay, thì nhà cầm quân họ Phan sẽ đi vào sử, như là HLV nội duy nhất làm được điều kỳ vĩ.
Đà Nẵng đợt này quân số trên ĐTVN có đến 4 người: thủ môn Thanh Bình, 3 tiền vệ Thanh Hưng, Quốc Anh và Nguyên Sa. Trong thời điểm này, Thanh Bình đã đủ sức làm nhiệm vụ “gác đền”. Tiếc rằng ở ĐT phải có lớp lang, nên Bình xếp sau Hồng Sơn, Tấn Trường. Bộ ba tiền vệ kia xem ra đã rất chắc suất, sự ăn ý và hiệu quả của họ trong lần đá chính ở trận gặp Malaysia là sự khẳng định chắc chắn. Khi Minh Phương và Tài Em vắng mặt, thời điểm này ở khu vực trung tâm khó ai hiệu quả bằng Thanh Hưng-Nguyên Sa.
Thanh Hưng có nhãn quan chiến thuật sắc sảo, kỹ thuật hoàn hảo, tấn công và dứt điểm từ xa là điểm trội. Bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 trong trận gặp Malaysia là một trong nhiều tình huống thể hiện cái chất rất đặc biệt của tiền vệ này.
Nguyên Sa vóc dáng đậm, khả năng phòng thủ cừ. Lịch sử ĐTQG từng có bộ đôi “lá phổi” cùng chơi trong màu áo một CLB (Tài Em-Minh Phương), vậy thì vẫn có quyền hy vọng Nguyên Sa-Thanh Hưng sẽ hoàn thiện để trở thành cặp song kiếm hợp bích.
Bên hành lang cánh trái, Quốc Anh kể từ lượt về mùa giải 2012 với lối chơi bóng đầy đam mê đã chứng tỏ là một trong ít chuyên gia chạy cánh xuất sắc nhất V-League hiện tại. Vậy thì, việc Quốc Anh tiếp tục phô diễn phong độ ấy ở ĐT cũng là điều dễ hiểu.
Bóng đá Đà Nẵng đang rất cần vào những nhân tố mang tính “đặc sản” Quảng- Đà. Cờ đến tay không phải dễ, đến rồi không phất được thì tiếc lắm!
TT&VH