.

V-League thời "khủng hoảng": Hết ảo là thực

.

Mới chỉ một năm trước đây thôi, một cầu thủ tuy đã sang tuổi băm nhưng vẫn có thể kiếm được bản hợp đồng chuyển nhượng với gần chục tỷ lót tay, còn bây giờ, ngay cả làm sao để tồn tại cho qua ngày cũng là vấn đề không đơn giản với không ít đội bóng chứ chẳng nói tới chuyện tỷ nọ tỷ kia cho cầu thủ. Bóng đá VN đang chịu ảnh hưởng ngày càng nặng nề và sâu sắc từ bối cảnh khó khăn hiện tại của nền kinh tế.

VĐ V-League đã một tháng nhưng các cầu thủ SHB.ĐN vẫn chưa được giải ngân tiền thưởng. Ảnh: V.S.I
VĐ V-League đã một tháng nhưng các cầu thủ SHB.ĐN vẫn chưa được giải ngân tiền thưởng. Ảnh: V.S.I

Từ ngày bầu Hiển làm bóng đá, chẳng mấy người nghe tới chuyện đội bóng của ông bầu này nợ lương hay nợ thưởng cầu thủ, nhưng khoảng gần một năm trở lại đây, các cầu thủ dưới quyền bầu Hiển đã nếm trải cảm giác bóng đá trong thời buổi kinh tế khó khăn là như thế nào.

Cuối năm 2011, khi V-League 2011 đã kết thúc được gần 4 tháng và ngày khai mạc V-League 2012 chỉ còn tính bằng tuần, các cầu thủ HN.T&T vẫn chưa nhận được 4 tỷ đồng tiền thưởng cho chức á quân V-League 2011 như lời hứa của bầu Hiển từ trước “trận chung kết” SLNA-HN.T&T. Và mới đây, khi HN.T&T tiến hành gia hạn hợp đồng với một loạt trụ cột, số tiền mà lãnh đạo CLB bỏ ra để lót tay cho các cầu thủ nghe nói cũng ở chừng mực vừa phải chứ không phải là những con số gây sốc.

Câu chuyện tương tự đang xảy ra với các cầu thủ SHB.ĐN, khi đã gần một tháng sau khi V-League 2012 kết thúc cùng với danh hiệu quán quân thuộc về SHB.ĐN, đội bóng sông Hàn vẫn chưa được bầu Hiển giải ngân tiền thưởng như đã hứa, và trong tình hình kinh tế như hiện tại, không ai dám chắc liệu các cầu thủ SHB.ĐN có bị nợ tiền thưởng đến sát ngày khai mạc mùa giải mới như HN.T&T từng trải qua hay không.

Lâu nay bóng đá VN vẫn bị xem là có quá nhiều giá trị ảo, mà hễ cứ là ảo thì sớm muộn cũng có ngày phải lộ chân tướng. Trước đây, khi “bong bóng” bất động sản và chứng khoán ở thời kỳ cực thịnh, nguồn cung tiền còn dồi dào thì việc bỏ ra vài chục tỷ hoặc gần trăm tỷ để nuôi một hoặc hơn một đội bóng với các đại gia không có gì khó khăn. Đấy còn chưa kể tới việc một ông bầu khi đầu tư vào bóng đá còn có thể gặt hái thêm rất nhiều lợi nhuận trực tiếp hoặc gián tiếp do bóng đá mang lại.

Thế nhưng, khi “bong bóng” bất động sản và chứng khoán xì hơi, nguồn cung tiền bị thắt lại hẹp dần thì bóng đá bỗng dưng trở thành một gánh nặng, nhất là trong hoàn cảnh lợi nhuận do kinh doanh bất động sản mang lại không còn hoành tráng như trước. Mà các ông bầu, kể cả những người đến với bóng đá bằng đam mê thực sự, là ai? Họ đều là doanh nhân, mà đã là doanh nhân thì họ phải trân trọng từng đồng tiền mà mình chi ra nên không có chuyện thoải mái ném qua cửa sổ mà không cần suy nghĩ gì.

Thế nên, khi bây giờ đồng tiền ngày một khó kiếm hơn, mà bóng đá VN vẫn chưa có nhiều cải biến về chất nên vẫn không thể tự nuôi sống mình như bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, thì việc hàng loạt doanh nghiệp hoặc ông bầu cân nhắc khả năng từ bỏ bóng đá là chuyện hết sức bình thường. Ngay cả những ông bầu cực kỳ máu mê bóng đá còn phải cân nhắc từng khoản tiền mà mình bỏ ra, vì đam mê là cái gì đó rất vô hình, còn tiền mặt bỏ vào bóng đá lại có thể thấy rõ hàng ngày, huống hồ là số ông bầu đến với bóng đá vì còn ấp ủ mục đích khác?

Cái ngày V-League trở lại vạch xuất phát như cách đây hơn chục năm xem ra đã không còn quá xa!

TT&VH

;
.
.
.
.
.