.

Ngổn ngang mối lo

.

Sau Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị mùa giải mới 2013 do VFF cùng VPF phối hợp tổ chức vào ngày 3-11 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện các CLB chuyên nghiệp cùng một số lãnh đạo UBND, Sở VH-TT&DL của các địa phương có đội bóng, CLB tham dự mùa giải 2013 vẫn chưa có những giải pháp cần thiết cho các CLB.

Việc hạn chế cầu thủ ngoại không chỉ giúp các CLB giảm các khoản chi mà còn tạo cơ hội ra sân cho các cầu thủ trẻ.
Việc hạn chế cầu thủ ngoại không chỉ giúp các CLB giảm các khoản chi mà còn tạo cơ hội ra sân cho các cầu thủ trẻ.

Để phù hợp với tình hình khó khăn của các CLB, VFF và VPF cho lùi thời hạn đăng ký tham gia mùa giải 2013. Trước đó, đa số các CLB đã thống nhất thời hạn đăng ký vào ngày 8-12 nhưng đến thời điểm diễn ra hội thảo, chỉ có 12/14 đội đăng ký dự V-League cùng số lượng tương tự ở giải hạng nhất; khi các CLB V-League CLB Bóng đá Hà Nội và CLB Navibank Sài Gòn cùng 2 đội hạng nhất CLB Trẻ bóng đá Hà Nội và CLB Trẻ Khánh Hòa vẫn bỏ ngỏ khả năng tham gia thi đấu. Vì thế, thời hạn đăng ký được lùi lại và lễ bốc thăm lịch đấu dự kiến diễn ra ngày 15-12, vòng đấu đầu tiên tổ chức vào trung tuần tháng 1-2013.

Bên cạnh những khó khăn do kinh tế suy thoái cùng với việc tạo thêm cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ, đại diện các CLB đã biểu quyết thông qua một số nội dung sửa đổi trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp; trong đó quy định tại mùa giải 2013, các CLB V-League được đăng ký 3 cầu thủ ngoại, đưa vào sân 3 cầu thủ. Các đội bóng hạng nhất được đăng ký 2 cầu thủ ngoại, đưa vào sân thi đấu 2 cầu thủ và đó cũng là số lượng tương ứng tại Cúp Quốc gia và Siêu Cúp Quốc gia. Ngoài ra, trong danh sách đăng ký 20 cầu thủ/trận đấu, mỗi đội phải có tối thiểu 3 cầu thủ có quốc tịch Việt Nam và không quá 22 tuổi.

Đối với phí lót tay, VFF yêu cầu các CLB công khai trong hợp đồng như một cách kiểm soát chuyện lạm chi, có thể dẫn đến vỡ nợ. Về lương cầu thủ, VPF cho rằng chỉ nên đặt mức sàn tối thiểu 10 triệu đồng/tháng đối với cầu thủ V-League và 6 triệu đồng/tháng đối với giải hạng nhất, chứ không thể quy định mức lương trần. Một nét mới còn là quy định cấm các CLB trả tiền lót tay cho cầu thủ.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, quy chế về mức kinh phí hoạt động tối thiểu của các CLB cũng được thay đổi. Theo đó, một CLB V-League cần chứng minh đủ 35 tỷ đồng để dự một mùa giải (trước đó là 40 tỷ đồng). Con số này với một CLB hạng nhất là 20 tỷ đồng (25 tỷ đồng ở mùa 2012).

Giải đáp về những băn khoăn “bể giải” khi có thể nảy sinh trường hợp một số CLB bỏ giải giữa chừng vì không bảo đảm khả năng tài chính, Trưởng Ban tổ chức V-League Trần Duy Ly khẳng định: “Sau khi các CLB đăng ký tham dự giải, VPF có nhiệm vụ thẩm định năng lực tài chính và các tiêu chí khác xem đội có khả năng hoàn thành giải hay không trước khi tổ chức lễ bốc thăm, phân chia lịch đấu”.

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hội thảo do VFF và VPF tổ chức nhằm giúp các CLB tháo gỡ khó khăn vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào. Chỉ có Phó Chủ tịch VPF Lê Hùng Dũng đề xuất việc “nuôi bóng đá bằng bóng đá” là đáng quan tâm: “Tái cấu trúc nền bóng đá, các CLB phải sống bằng thực lực từ tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình chứ không thể dựa vào “bầu sữa” doanh nghiệp hiện tại”.

Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực tiễn vẫn còn khoảng cách. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay thì việc tạo kinh phí từ nguồn bán vé hay tiền bản quyền truyền hình... còn quá xa vời với bóng đá Việt Nam...

Bài và ảnh: NGUYÊN AN
 

;
.
.
.
.
.