Như con cá cảnh là hình ảnh ví von của một cầu thủ khi nói về thân phận và tương lai bất trắc của mình lúc này. Danh thủ Tài Em của Câu lạc bộ Sài Gòn Xuân Thành, từng là một gương mặt sáng giá của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực, trong một tâm sự mới nhất với Báo Tuổi Trẻ, nói rằng đây là lúc cầu thủ Việt Nam trở lại với thực tế phũ phàng sau những tôn vinh phù phiếm và hào nhoáng mà thị trường bóng đá cố tình đẩy về phía họ.
Cách điều hành “không giống ai” và “rất nghiệp dư” của VFF và VPF đẩy V-League vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. (Ảnh tư liệu) |
Theo anh, bản thân cầu thủ không tự định giá chính mình, những hô hoán trên trời dưới đất ở thị trường chuyển nhượng mấy năm qua đều là sản phẩm của các ông bầu chơi ngông. Cầu thủ trở thành món hàng tô vẽ sức nặng túi tiền các ông bầu. Như con cá cảnh trong hồ thủy sinh, họ có mặt trong đội hình và ra sân hằng tuần, rộn ràng trên thị trường chuyển nhượng nhằm trang điểm cho đường làm ăn của các đại gia. Con cá ấy không thể định đoạt giá trị vật chất của chính mình, ai thích thì cứ bỏ tiền ra mua!
Cách làm bóng đá chạy theo thành tích trước mắt, các tính toán ngông nghênh ăn xổi ở thì của một số đại gia cộng với sự thờ ơ, tắc trách của cơ quan quản lý bóng đá đã đẩy bóng đá xứ sở này vào mớ bòng bong rối rắm hiện nay. Vào lúc VFF và VPF chuẩn bị cho mùa giải mới, có ít nhất 4 ông bầu tuyên bố chia tay bóng đá khiến số phận của các đội bóng do họ cưu mang rơi vào cảnh bế tắc và đẩy V-League vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Những nỗ lực của cơ quan điều hành bóng đá nhằm cứu vãn V-League và Giải hạng nhất không bị hỗn loạn, trì hoãn dường như ngày càng bế tắc. Bối rối, lúng túng trong ứng xử trước biến cố đã xuất hiện trong một số người lãnh đạo cơ quan điều hành bóng đá, khiến sự việc càng lúc càng rối rắm. Nhiều đại gia tìm cách tháo chạy khỏi bóng đá, vì thế, có thêm lý do để rời khỏi vũ đài.
Đại diện lãnh đạo Câu lạc bộ Sài Gòn Xuân Thành nói thẳng rằng một trong những lý do khiến ông bầu Nguyễn Đức Thụy rút lui là vì thất vọng trước cách điều hành “không giống ai” và “rất nghiệp dư” của VFF và VPF. Có thể đây chỉ là cách biện minh của một người không còn tha thiết với bóng đá, một người nuôi cá cảnh không còn thích thú với mớ cá của mình nữa. Nhưng có thể nào trách cứ họ khi chính VFF và các cơ quan có trách nhiệm quản lý điều hành V-League ngay từ đầu đã dễ dãi mở toang cửa cho sự tự tung tự tác của các tay chơi! Không có những ràng buộc, chế tài, làm sao buộc người ta ở lại khi cuộc chơi không còn sức hút, sự đầu tư –cả đầu tư về tiếng tăm- không mang lại hiệu quả!
V-League tối ren, cầu thủ thất nghiệp, có người trách các ông bầu bỏ của chạy lấy người là thiếu tâm huyết với bóng đá, chỉ biết lợi dụng bóng đá để trục lợi và biến sân cỏ trong nước thành chợ trời mặc sức mua bán đổi trao. Điều đó không sai và những đại gia vốn xem sân chơi V-League như một hí trường phô trương thanh thế phải nhận ra trò chơi ngông nguy hiểm của mình khi đẩy bóng đá Việt Nam vào tình cảnh nguy khốn hiện nay. Nhưng lẽ nào không nhìn thấy cái lỗi lớn nhất và trước hết thuộc về năng lực mỏng manh, tầm nhìn hạn hẹp và cả sự thờ ơ tắc trách ở các nhà quản lý điều hành!
TƯỜNG PHƯỚC