.

“Giải cứu” V-League 2013!

.

Trong cuộc họp ngày 8-12, VPF đã xác định có 12 CLB bóng đá chuyên nghiệp đăng ký tham gia thi đấu tại V-League 2013 gồm: SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T, Sài Gòn Xuân Thành, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Ninh Bình, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng (nhận suất chuyển giao của Khánh Hòa) và đội tuyển U-22 Việt Nam. Như vậy, các CLB sẽ không tham dự V-League 2013 gồm: CLB Hà Nội, Navibank Sài Gòn và Khánh Hòa (chuyển giao cho Hải Phòng).

Cùng với Khánh Hòa và CLB Hà Nội, Navibank Sài Gòn (áo trắng) cũng chính thức được giải thể, sẽ không còn xuất hiện trên sân cỏ V-League.
Cùng với Khánh Hòa và CLB Hà Nội, Navibank Sài Gòn (áo trắng) cũng chính thức được giải thể, sẽ không còn xuất hiện trên sân cỏ V-League.

Theo giải thích của VPF, việc bổ sung đội tuyển U-22 Việt Nam tham gia tranh tài tại V-League 2013 không chỉ làm chẵn số lượng đội tranh tài mà còn là bước chuẩn bị cần thiết để đội tuyển U-22 tích lũy kinh nghiệm trước khi tham gia thi đấu tại SEA Games 27 (năm 2013). Cũng từ kế hoạch được VPF công bố, mùa giải 2013 không có đội xuống hạng, kể cả V-League lẫn hạng nhất và do chỉ có 22 vòng đấu nên V-League khởi tranh vào ngày 3-3-2013.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, việc không xuống hạng là cơ hội tốt để các cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu. Bên cạnh đó, áp lực kinh phí được giảm thiểu cho các ông chủ đội bóng. Đồng thời, các CLB không quá lo lắng trong việc thực hiện các thương vụ “bom tấn” nhằm tìm kiếm những cầu thủ ngoại đắt giá cho mục tiêu cạnh tranh.

Thế nhưng, không ai dám chắc V-League 2013 sẽ “thành công tốt đẹp” như mong muốn.

Đã có nhiều ý kiến phản bác việc “không xuống hạng”. Bởi lẽ, không có áp lực, chắc chắn các CLB, các cầu thủ sẽ không nỗ lực cao. Điều đó đồng nghĩa với việc sự thu hút với người xem cũng giảm thiểu. Và khi bóng đá không có người xem, có cần thiết tổ chức một giải đấu không khác “một giải giao hữu”, như ý kiến của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh?

Bên cạnh đó, không hẳn việc V-League 2013 không có đội xuống hạng là cơ hội tốt để các cầu thủ trẻ được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Chỉ khi được thi đấu bên cạnh những lứa cầu thủ đàn anh và phải thi đấu trong một môi trường khó khăn thật sự với nhiều thử thách, cầu thủ trẻ mới rèn luyện được bản lĩnh, tĩnh lũy kinh nghiệm cần thiết. Thế nhưng, nếu chỉ được ra sân ở một giải đấu “vô thưởng, vô phạt”, quá khó để hy vọng sự trưởng thành của những cầu thủ trẻ.

Ngay cả việc đội tuyển U-22 Việt Nam tham gia V-League 2013 cũng đáng quan tâm. Thực tế, hầu hết các cầu thủ thuộc đội tuyển U-22 Việt Nam đều là quân của các CLB. Để sở hữu những cầu thủ này, các CLB phải chi tiền lót tay từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng cho mỗi trường hợp. Nhưng nếu VPF “trưng dụng” những cầu thủ này, liệu các CLB có đồng thuận để VPF sử dụng cầu thủ của mình hoàn toàn “miễn phí” trong một năm? Hay những rủi ro bởi chấn thương trong quá trình tập luyện, thi đấu của các cầu thủ U-22 thì VFF, VPF hay các CLB sẽ chịu chi phí điều trị? Đó là chưa kể đến những chấn thương nặng có thể xảy ra và hậu quả của nó có thể kéo dài, ngay cả sau khi các cầu thủ này được trả về lại CLB. Rồi còn khả năng cạnh tranh của đội tuyển U-22 trước những CLB V-League, vốn không thiếu những cầu thủ giàu kinh nghiệm cùng những ngoại binh chất lượng lẫn các cầu thủ nhập tịch. Nếu chỉ có thành tích quá thấp tại V-League 2013 có khiến cho các cầu thủ trẻ bị sang chấn tâm lý hay không?

Dĩ nhiên, tất cả chỉ mới là kế hoạch của VPF và đang chờ ý kiến của VFF cũng như Tổng cục TDTT. Thế nhưng, xem ra phương án “giải cứu” V-League 2013 của VPF rất khó thành công, cho dù VFF hay Tổng cục TDTT phê duyệt. Trước mắt, Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đã phản ứng quyết liệt kế hoạch của VPF và dọa sẽ bỏ giải.

Nếu điều này thành hiện thực, liệu còn phương án nào để VPF có thể đưa V-League vượt qua cơn khủng hoảng?

Bài và ảnh: BẢO AN
 

;
.
.
.
.
.