.

Tại sao, SHB Đà Nẵng?

.

(ĐNĐT) - Một trận hòa với Bình Dương ở lượt đấu thứ 12 V-League 2013 (ngày 15-6) không phải là một kết quả tồi với SHB Đà Nẵng. Bởi, dù đang cầm “đèn lái” nhưng đội quân của ông Lê Thụy Hải vẫn là một đối thủ đáng gờm. Song nếu các học trò của HLV Lê Huỳnh Đức quyết tâm hơn, đội bóng sông Hàn vẫn có khả năng giành trọn 3 điểm để có thể gia nhập top 3 sau vòng đấu vừa qua.

Vì thế, ngay trong giờ giải lao giữa hai hiệp, nhà cầm quân của SHB Đà Nẵng thực sự giận dữ và không tiếc lời trách mắng các học trò.

Quả thực, những lý giải về việc phải thi đấu ở phần sân dưới gió trong hiệp 1 để dẫn đến hiện tượng vật vờ của một số cầu thủ hoàn toàn không đủ sức thuyết phục. Bởi, với những người am tường, lối chơi của SHB Đà Nẵng không dựa vào những đường chuyền dài vượt tuyến. Đồng thời, những pha tấn công biên rồi mở vào trung lộ để tận dụng khả năng “không chiến” của Merlo không hẳn là miếng đánh duy nhất của SHB Đà Nẵng.

Kết quả là cần thiết nhưng trên tất cả, các cầu thủ SHB Đà Nẵng (áo cam) cần biết quý trọng hơn những tin yêu mà người hâm mộ dành cho mình trong những năm qua.
Kết quả là cần thiết nhưng trên tất cả, các cầu thủ SHB Đà Nẵng (áo cam) cần biết quý trọng hơn niềm tin yêu mà người hâm mộ dành cho mình trong những năm qua.

Còn nhớ, gần suốt lượt về V-League 2012 khi Merlo gặp chấn thương nặng và phải nghỉ thi đấu, HLV Lê Huỳnh Đức đã tỏ rõ tài thao lược để nhào nặn SHB Đà Nẵng thi triển rất tốt lối chơi không tiền đạo. Nhờ đó, các cầu thủ SHB Đà Nẵng liên tiếp tạo được bất ngờ mà trong đó, “dấu ấn” lớn nhất vẫn là chiến thắng đầu tiên trên sân Vinh cùng tỷ số 4-0 trước Sông Lam Nghệ An.
Đến độ, có lúc, người hâm mộ Đà Nẵng từng ví lối chơi của SHB Đà Nẵng  như Tiki-taka của Barcelona - một sự vinh danh cho cuộc cách mạng về chiến thuật của Lê Huỳnh Đức.

Quan trọng hơn, điều dễ nhận thấy ở một số cầu thủ Đà Nẵng vừa qua chính là sự thiếu cố gắng rất rõ nét. Trong cả tranh chấp lẫn những pha phối hợp tổ chức tấn công.

Thực tế, trong hiệp 1, dù ở phần sân dưới gió, chẳng phải đội chủ sân Chi Lăng không có cơ hội để mở tỷ số; thậm chí, có cơ hội vượt lên dẫn bàn, trước cả thời điểm Hà Minh Tuấn san bằng tỷ số 1-1 (phút 38). Thế nhưng, những đường chuyền không có sự nắn nót cần thiết, dù những cầu thủ chuyền bóng không thiếu thời gian căn chỉnh. Trong khi đó, khả năng đánh chặn của hàng tiền vệ gần như vô tác dụng. Đồng thời, những lỗ hổng ở tuyến phòng ngự liên tục bộc lộ khiến HLV Lê Huỳnh Đức phải liên tục ra sát đường biên dọc nhắc nhở, chỉ đạo.

Và hoàn toàn, chẳng có “chiếc đũa thần” nào để trong suốt hiệp 2, SHB Đà Nẵng là đội bóng chủ động hoàn toàn thế trận với không ít cơ hội có thể giành trọn 3 điểm. Dĩ nhiên, vẫn có thể lý giải về một buổi chiều “kém duyên” của các chân sút nhưng phần nào nhận thấy, không ít mũi tấn công của SHB Đà Nẵng quá thiếu tập trung trong những tình huống đối diện cầu môn đội khách.

Sau trận đấu, một lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng cũng than phiền về lối chơi của một số cầu thủ chủ nhà. Có thể, ở đây khoan bàn đến việc “có mùi” nhưng rõ ràng, việc thiếu cố gắng của không ít cầu thủ là rất rõ. Tuy nhiên, qua trao đổi, vị lãnh đạo này nghi ngờ về việc, một bộ phận cầu thủ chủ nhà muốn “cứu” Bình Dương bởi những mối quan hệ nghĩa tình với không ít thành viên của đội bóng đất Thủ.

Trận đấu đã kết thúc, kết quả không thể thay đổi nhưng vẫn cần nhắc lại để từng thành viên SHB Đà Nẵng soát xét lại chính mình; không chỉ ở trận đấu với Bình Dương mà còn ở những trận đã thi đấu xong cũng như trong chặng đường phía trước.

Bởi, đằng sau mỗi thành công hay thất bại của CLB SHB Đà Nẵng, còn đó sự tin yêu của người hâm mộ, sự quan tâm của quê hương lẫn nhà tài trợ. Và khi lòng tin đã không còn, đồng nghĩa với việc SHB Đà Nẵng đánh mất giá trọ lớn nhất mà họ đã dày công xây dựng trong suốt những tháng năm qua.

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.