.

Tìm điểm mạnh của U23 Việt Nam

.

U23 Việt Nam đã hòa Kashima Antlers 2-2 trong một trận đấu mà nhiều người cho rằng thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc đã có màn ra mắt thành công. Vậy đâu là điểm mạnh?

Rất nhiều cuốn sách về bí quyết thành công vẫn thường chỉ ra rằng, đừng quá bận tâm đến nhược điểm của mình, mà nên phát huy tối đa ưu điểm mà mình có. Nhưng trong bóng đá, chỉ với việc ý thức điểm mạnh của mình là không đủ, bởi phải xem nó hiệu quả đến đâu.

Hàng thủ U23 Việt Nam với những trung vệ còn non kinh nghiệm như Mạnh Hùng (15) vẫn cần phải học hỏi nhiều. Ảnh: VSI
Hàng thủ U23 Việt Nam với những trung vệ còn non kinh nghiệm như Mạnh Hùng (15) vẫn cần phải học hỏi nhiều.

Khi đôi cánh không thể bay

Người ta đã chỉ ra rằng, vị trí đá cánh của các ĐTQG Việt Nam thời gian gần đây chính là điểm mạnh nhất trong lối chơi tổng thể của đội bóng. Đấy là sự thật, và nó bắt đầu từ việc không có nhiều cầu thủ bản địa đủ sức cạnh tranh với lực lượng ngoại binh ở các vị trí như tiền đạo, tiền vệ trung tâm và trung vệ.

Chúng ta có những chuyên gia chạy cánh giỏi, ở cả cấp độ U23 Việt Nam, đến ĐT Việt Nam. Nhưng, chúng ta sẽ ứng xử thế nào, khi một bộ cánh khỏe vẫn không thể giúp đội bóng bay cao?

Tất cả đều biết là, đánh giãn biên là một thể loại chiến thuật. Nhưng nó chỉ hiệu quả khi ở phía trong, các tiền đạo biết tận dụng triệt để những đường căng ngang vào trong. Các cú dứt điểm tuyến 2 cũng là một giải pháp hoặc nữa, khi tiền vệ cánh có khả năng đột phá và ghi bàn. Kể từ năm 2012, các ĐTQG Việt Nam kỳ vọng nhiều vào các cú đấm ở tuyến 2, nhưng câu trả lời là gì?

Không gì cả! Chúng ta vẫn thường rất rối rắm mỗi khi triển khai các ý đồ tiếp cận cầu môn đối phương. Khả năng dứt điểm tuyến 2 kém đã đành, bản thân các chuyên gia chạy cánh cũng không thể làm tốt cả 2 nhiệm vụ: làm bóng hoặc ghi bàn. Có thể thấy là Quốc Anh (ĐT Việt Nam) hay Văn Quyết (U23 Việt Nam) là những ngoại lệ hiếm hoi. Nói tóm lại, để giải quyết bàn thắng và giải quyết trận đấu, vẫn cần phải có những tiền đạo giỏi.

Phải đeo “cựa” mới biết “chiến kê”

Dân chơi gà vẫn rỉ tai nhau rằng “gà chọi chỉ là gà chọi, chứ không bao giờ là chiến kê, nếu chưa một lần ra đấu trường và giành chiến thắng”. Với bóng đá, chúng ta không thiếu những cầu thủ sở hữu đủ kỹ năng, nhưng khi ra chiến trường, tức là khi “đeo cựa”, họ trở nên vô hại.

Tâm lý chiến là một chuyện và ngoài ra, lâm trận không bao giờ giống như khi đấu tập. Thế nên đừng bao giờ thắc mắc, đại loại như cầu thủ của tôi khi tập luyện rất tốt, nhưng khi vào trận, họ không thực thi được chiến thuật đề ra. Rất nhiều HLV đã mất việc vì không hiểu một cách tường tận câu chuyện này.

ĐT U23 Việt Nam được tập trung lần 1-2013 với rất nhiều nghi ngại, nếu không muốn nói là bất ổn, khi gần một nửa trong số đó được gọi lên từ giải hạng Nhất. Năm ngoái, thậm chí còn có người đang đá ở giải hạng Nhì. Tại sao phải phân cấp bậc như thế? Bởi, bóng đá có đẳng cấp của nó và các giải đấu vì thế vẫn phải có những đội lên hoặc xuống hạng. Trong một lần chia sẻ với TT&VH, cựu tiền đạo ĐT Việt Nam và CLB SHB.ĐN, Nguyễn Ngọc Thanh, khẳng định rằng: “Hạng Nhất có lẽ chỉ hơn phong trào một chút”.

Các HLV đều có những tiêu chí sử dụng con người riêng và thường nó không giống với tưởng tượng của nhiều người. Khi gọi lên ĐT U23 tới 3 cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội, đội bóng đang xếp cuối bảng giải hạng Nhất 2013, hẳn HLV Hoàng Văn Phúc phải hiểu rõ hơn ai hết các cầu thủ của mình. Cái mà tất cả đều hướng tới, đó phải là sự hợp lý. Trong bóng đá, đôi khi chẳng cần hay mà chỉ hợp lý hơn đối thủ, cũng có thể đem lại chiến thắng.

Trong cả 2 bàn thua của U23 Việt Nam trên sân Mỹ Đình vào chiều qua, nó đều bắt đầu từ sự khờ khạo của hàng phòng ngự, và có lẽ ông Phúc vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

TT&VH

;
.
.
.
.
.