1. Trong một lần chuyện phiếm, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam (VFF) Dương Nghiệp Khôi hỏi: “Theo dõi bóng đá Việt Nam khá lâu, vậy các anh có thấy bóng đá Việt Nam có điều gì khác lạ không?”. Một câu hỏi tưởng quá khó nhưng lại rất dễ tìm thấy “lời giải”. Đó là “quy luật 10 năm”, như cách định nghĩa của những người am tường bóng đá Việt Nam.
Giải Bóng đá A1 toàn quốc 1985 đã xảy ra “sự cố” Thể Công được các đội “đàn em” Phòng không-Không quân, Quân khu Thủ đô “nhường quyền” vào chung kết. Cũng từ những vụ dàn xếp tỷ số đó, Công an Hà Nội hưởng lợi để “nắm tay” Thể Công đi tiếp. Dĩ nhiên, Bộ Tổng Tham mưu không chấp nhận tiêu cực và lệnh cho Thể Công dừng thi đấu. Lãnh đạo Công an Hà Nội cũng không chấp nhận và lệnh cho đội bóng rút ngay khỏi giải.
Đến năm 1995, lại nảy sinh “sự cố” 5 đội gồm QN-ĐN, Thể Công, Bình Định, Long An và Sông Bé cùng khước từ thi đấu vòng chung kết ngược. Bộ Tổng Tham mưu và Cục Quân huấn phải lệnh cho Thể Công thi đấu cùng Hải Quan thành phố Hồ Chí Minh trong trận cầu thủ tục. Cùng lúc, LĐBĐ Việt Nam đã quyết định cho 4 đội còn lại xuống hạng ở mùa giải sau.
V-League 2005 chứng kiến hàng loạt “Vua sân cỏ” cùng một số HLV, cầu thủ phải đối mặt cùng pháp luật do “dàn xếp tỷ số”.
Và chỉ còn hai mùa giải nữa, rất nhiều người chờ đợi xem, liệu “quy luật 10 năm” ấy có tái diễn hay không!
2. Trước thềm V-League 2013, những nỗi lo về một mùa giải không thể khởi tranh hiện hữu rất rõ; không chỉ với những nhà quản lý, lãnh đạo các CLB mà cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ.
Khủng hoảng kinh tế khiến không ít ông chủ các đội bóng gác lại niềm đam mê bóng đá. Cùng lúc, do không đạt thành tích tương xứng với mức độ đầu tư, một số đội bóng đã được chuyển giao cho các địa phương khác hoặc bị giải thể… Ngay như Ninh Thuận, dù rất muốn có đội bóng tham gia thi đấu giải hạng nhất song những khó khăn khiến tỉnh này phải rút lui khi phía SHB Đà Nẵng đặt vấn đề kinh phí chuyển nhượng đội Trẻ SHB Đà Nẵng.
Trong bối cảnh mùa giải 2013 đứng trước nguy cơ đổ vỡ, VFF lẫn Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải chấp nhận giải pháp dung hòa khi đôn Đồng Nai lên hạng để V-League 2013 có chẵn số CLB, đồng thời chấp nhận giải hạng nhất chỉ còn 8 đội với 3 suất lên hạng.
Nhờ đó, màn khởi đầu của mùa giải 2013 “vượt cạn” trong đầy rẫy khó khăn, thách thức.
3. Với giải hạng nhất 2013, mùa giải xem như gần kết thúc trọn vẹn khi giải chỉ còn 1 vòng đấu vào cuối tuần này. V-League 2013 cũng khởi đi tương đối suôn sẻ bởi đến lúc này, giải đã đi được 2/3 chặng đường.
Thế nhưng, vào thời điểm này, nguy cơ đổ vỡ chẳng phải không có khi mà những phản ứng quyết liệt và hết sức gay gắt - vì nhiều nguyên nhân - từ một số đội bóng đã bùng phát.
Trong đó, với Kiên Giang, việc “tan đàn, xẻ nghé” đang rất gần!
Sau khi giải quyết xong lương, thưởng; lãnh đạo CLB chỉ mới giải ngân 25% tiền lót tay cho các cầu thủ. Ngoài chuyện bị thất hứa, hẳn ai cũng hiểu, đa phần cầu thủ đến khoác áo Kiên Giang cũng vì “miếng cơm, manh áo”. Vì thế, không khó hiểu khi các cầu thủ Kiên Giang thi đấu vật vờ trong vài ba trận đấu gần đây. Thậm chí, một số cầu thủ còn đang tính đình công và sẽ không ra Thanh Hóa để thi đấu trận đấu ở vòng 15 tới (ngày 6-7).
Và dù chưa đến chu kỳ của “quy luật 10 năm”, việc quyền lợi của các cầu thủ Kiên Giang chưa được giải quyết trọn vẹn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình của giải. Nếu điều đó trở thành sự thật, liệu V-League 2013 sẽ ra sao nếu Kiên Giang rút lui ở những vòng đấu tới?
BẢO AN