Sau vòng đấu thứ 14 của V-League 2013, nhiều cầu thủ của K.KG từ chối tập luyện vì bị nợ tiền lót tay kéo dài, khiến số phận của CLB này bị bỏ ngỏ. Nếu vì lý do nào đó mà K.KG không thể đi đến trận đấu cuối cùng ở V-League 2013 thì đây sẽ là đội bóng thứ 9 rút lui khỏi sân chơi hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam trong lịch sử 13 năm tồn tại.
Nếu không trụ được đến cuối mùa thì K.KG sẽ là đội bóng thứ 9 phải nói lời từ giã cuộc chơi giữa chừng trong lịch sử V-League. Ảnh: VSI |
Cái tên đầu tiên phải kể đến là Ngân hàng Đông Á (NHĐA). Tham dự V-League từ những ngày đầu tiên dưới cái tên CATP.HCM, đến mùa giải 2003 đội bóng được đổi tên thành NHĐA. Trước thềm V-League 2006, dù giành quyền lên chơi ở giải chuyên nghiệp (do xếp thứ 3 ở giải hạng Nhất 2005) nhưng NHĐA đã buộc phải rút lui khỏi V-League 2006 do dính dáng đến scandal hối lộ trọng tài ở giải hạng Nhất 2005.
Hậu quả là V-League 2006 trở thành mùa giải đầu tiên trong lịch sử chỉ có 13 đội tham dự. Còn đội bóng NHĐA sau đó cũng tuyên bố giải thể và được chuyển giao lại cho Sơn ĐT.LA, tiền thân của V.NB bây giờ.
Cuối năm 2008, sau 7 mùa giải tham dự V-League, lãnh đạo CSG cũng tuyên bố không còn kinh phí để duy trì đội bóng, nên xin rút khỏi V-League và chuyển giao toàn bộ đội bóng về cho LĐBĐ TPHCM quản lý với tên gọi mới là CLB bóng đá TPHCM. Kể từ đó, đội bóng này chơi sa sút dần và liên tiếp phải xuống hạng trong những năm gần đây.
Trong khi đó. Thể Công, đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam, sau 6 mùa giải tham dự V-League cũng đã chia tay sân chơi này vào cuối mùa giải 2009. Đội bóng được chuyển giao cho Viettel và sau đó được chuyển tiếp cho Thanh Hóa. Kể từ đó cái tên Thể Công chính thức biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam trong sự nuối tiếc của các thế hệ CĐV đội bóng mặc áo lính.
Cũng vào cuối mùa giải 2009, do không đủ tiền nuôi đội bóng nên đội bóng Quân khu 4 cũng đã được cấp trên quyết định chuyển giao cho tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Kể từ đó, đội bóng được mang tên mới là N.SG.
Trớ trêu thay chỉ sau 3 năm tồn tại, trước thềm V-League 2013, cái tên N.SG tiếp tục biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam sau khi bầu Thọ tuyên bố bỏ bóng đá khiến đội bóng mất đi sự hậu thuẫn về mặt tài chính
Sau khi kết thúc V-League 2011, bầu Long và bầu Tuấn của tập đoàn Hòa Phát tuyên bố không còn hứng thú với bóng đá nữa nên quyết định giải thể đội bóng HP.HN và chuyển giao lại toàn bộ nhân sự, cơ sở vật chất cho bầu Kiên, chấm dứt 6 năm tồn tại của HP.HN ở đấu trường V-League.
CLB BĐ Hà Nội được hình thành trên cơ sở sáp nhập giữa 2 đội bóng: HN.ACB và HP.HN. Tuy nhiên, chỉ sau đúng một năm tồn tại ở sân chơi chuyên nghiệp, cuối mùa giải 2012 CLB này cũng tuyên bố giải thể sau khi bầu Kiên vướng vào vòng lao lý và không còn ai đủ khả năng nuôi đội bóng.
Cũng vào cuối mùa giải năm ngoái, sau 8 năm tranh tài ở giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam (trong đó liên tục từ 2006 đến 2012), đơn vị chủ quản của CLB K.KH là Tổng Công ty Khánh Việt tuyên bố không tiếp tục duy trì đội hình thi đấu chuyên nghiệp nữa và chuyển giao cho V.HP.
Với việc 2 CLB bị giải thể (CLB BĐ Hà Nội, N.SG), một CLB bị chuyển giao (K.KH), V-League 2013 vì thế buộc phải điều chỉnh lại số lượng đội tham dự, không còn 14 đội như mùa giải trước mà chỉ còn 12 đội bóng tranh tài gồm 10 đội đứng đầu V-League 2012, XM V.HP (nhận lại suất chơi chuyên nghiệp của K.KH) và Đồng Nai, đội bóng xếp thứ 3 ở giải hạng Nhất 2012 được đôn lên thi đấu ở V-League 2013.
TT&VH