1- Không chấp nhận buông xuôi nhưng HLV Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng cũng không dám cả quyết đội bóng sông Hàn sẽ bảo vệ được ngôi Vương. Thậm chí, nhà cầm quân đầy cá tính này còn khẳng định, nếu V-League 2013 kéo dài thêm chừng 4 trận, chưa biết các cầu thủ SHB Đà Nẵng sẽ đấm đá ra sao!
Dù năng lực chuyên môn đã được thẩm định - qua 2 danh hiệu vô địch V-League, 1 Cúp Quốc gia cùng 1 Siêu Cúp Quốc gia chỉ sau hơn 6 năm làm thuyền trưởng bóng đá Đà Nẵng - nhưng đến thời điểm này, viên tướng họ Lê cũng đành bất lực khi các học trò đang “đuối” dần.
Những khó khăn về lực lượng cùng sự bào mòn thể lực khiến SHB Đà Nẵng (áo cam) không ít lần thể hiện sự bất lực trước những đối thủ, dù được đánh giá thấp như Đồng Nai (áo trắng). |
Khách quan mà nói, chính lịch thi đấu bất hợp lý của những nhà tổ chức khiến SHB Đà Nẵng dần đánh mất hình ảnh lung linh vốn có của mình. Ở mùa bóng này, không ít lần, Lê Huỳnh Đức và các học trò phải chấp nhận những trận thắng “xấu xí”; thay vì lối chơi đẹp mắt với những chiến thắng ấn tượng như những mùa giải trước.
Mặt khác, việc đón nhận về chân sút Milorad sau khi để Nicolas ra đi khiến sức mạnh tấn công của SHB Đà Nẵng trong giai đoạn quyết định suy giảm đáng kể. Sau vòng 17, những nhà đương kim vô địch sút tung lưới đối phương vỏn vẹn 23 bàn, chỉ xếp trên Hoàng Anh Gia Lai (21 bàn) và thua cả những đội ở nhóm cuối bảng như Bình dương (26 bàn), Đồng Tâm Long An và Kiên Giang (cùng 24 bàn).
Vì thế, dù không thiếu khát vọng, song với SHB Đà Nẵng lúc này, mục tiêu lọt vào nhóm đội giành huy chương có lẽ là thích hợp nhất.
2- Ở chiều ngược lại, dù rất nỗ lực để thoát khỏi vị trí “đèn lái”, song HLV Lại Hồng Vân không thể vực dậy tinh thần của các học trò. Bởi đơn giản, khi những khoản nợ lương, thưởng lẫn tiền lót tay vẫn chưa được lãnh đạo CLB giải quyết rốt ráo, quá khó để đòi hỏi các cầu thủ chiến đấu hết mình. Bởi lẽ, với những người kiếm sống bằng đá bóng, các cầu thủ có lý lẽ để “giữ chân, giữ giò” khi tương lai của họ ở đội bóng Kiên Giang vẫn là bất định.
Ngay cả khi đội Kiên Giang đến sân Đồng Tâm Long An để thi đấu trận “chung kết ngược”, lãnh đạo CLB cũng chẳng buồn đến động viên thì cũng không ngạc nhiên khi các học trò của ông Lại Hồng Vân đã thi đấu một trận tệ nhất ở mùa giải này.
Trong bối cảnh đó, việc các cầu thủ vừa ra sân, vừa ngóng tìm cho mình những bến đỗ mới khiến Kiên Giang không còn là một tập thể đáng ngại khi chính họ tự đánh mất vũ khí sắc bén nhất của mình là tinh thần thi đấu. Và cho dù HLV Lại Hồng Vân đang cố gắng tối đa vực dậy tinh thần để các cầu thủ có thể giành chiến thắng trong 2 trận sân nhà sắp tới hay ít ra, chia tay V-League trong danh dự nhưng xem ra, nhà cầm quân này đã hoàn toàn bất lực.
3- Những phản ứng phạm luật của khán giả Thanh Hóa đã được Ban tổ chức V-League 2013 cho qua khá nhẹ nhàng dù tổ trọng tài điều hành trận Thanh Hóa và Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Song cũng chẳng phải lần đầu, Ban tổ chức V-League 2013 mắc phải “hội chứng” bất lực.
Trước đó, dù sân Đồng Nai chưa có hệ thống đèn chiếu sáng, các trận đấu vẫn mặc nhiên tiến hành và thời hạn khánh thành dàn đèn ở đây cứ lần lữa mãi, song Ban tổ chức không hề có những biện pháp xử lý cần thiết. Hay như Kiên Giang gặp khó khăn về kinh phí cũng được chính ông Trưởng Ban tổ chức giải Trần Duy Ly hứa hẹn giúp đỡ, thông qua những tác động đến lãnh đạo địa phương lẫn các đơn vị tài trợ. Rồi việc Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn cứ dọa bỏ giải, khiến những nhà tổ chức cứ rối bời.
Chính nỗi sợ “bể giải” khiến những nhà tổ chức bất lực trước những phản ứng thái quá hoặc thái độ hợp tác chưa mấy thiện chí của một số CLB.
Và khi bóng đá Việt Nam cứ bị tác động của “hội chứng” bất lực như thế, quá khó để chờ đợi một sự phát triển bền vững trong tương lai.
Bài và ảnh: BẢO AN