.

Lo lắm, U-23 Việt Nam!

.

Ngoài chủ nhà U-23 Myanmar, đội tuyển U-23 Việt Nam chính là đội bóng có thời gian cùng điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 27 với gần 3 tháng hội quân. Chừng ấy quỹ thời gian quá đủ để một đội bóng xây dựng và thực hiện kế hoạch huấn luyện cho một giải đấu dài hơi, chứ không chỉ cho một giải đấu gói gọn trong vòng nửa tháng.

Theo kế hoạch, thời gian tập luyện của các cầu thủ U-23 được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dành cho phần nâng cao thể lực, giai đoạn 2 thử nghiệm nhân sự để chọn ra bộ khung cho đội tuyển và giai đoạn cuối là thời điểm định hình lối chơi, chiến thuật cùng với việc xác định điểm rơi phong độ để chuẩn bị bước vào SEA Games. Thế nhưng, điều đáng lo ngại khi đến thời điểm này, toàn bộ kế hoạch của đội U-23 Việt Nam hầu như chưa có sự hoàn thiện cần thiết.

Trong giai đoạn đầu tiên, lẽ ra, đội tuyển sẽ chọn những địa điểm yên tĩnh với những bài tập nặng, khối lượng lớn và đương nhiên, không cần quá nhiều trận đấu chuẩn bị, kiểm tra. Tuy nhiên, đội U-23 đã sang tập huấn tại Hungary trong 2 tuần và thi đấu 5 trận giao hữu với mật độ 3 ngày/trận.

Sau đó, khi về nước tham gia thi đấu một số trận giao hữu cũng như sang thi đấu cùng đội U-23 Myanmar, lẽ ra đây là thời gian cho đội tuyển U-23 xác định được bộ khung và tính cạnh tranh cần được đẩy lên cao. Qua đó, những nhân tố mới sẽ được tuyển chọn, bổ sung và những gương mặt không đạt yêu cầu sẽ bị loại.

Tuy nhiên, cho đến BTV Cup, HLV Hoàng Văn Phúc vẫn thừa nhận, ông đang trong tiến trình thử nghiệm lực lượng khi có những xáo trộn, dẫn đến việc bị quy kết “có vấn đề” trong trận đấu với CLB Bangu Atletico. Đồng thời, thể lực của các cầu thủ đã cho thấy “có vấn đề” khi bước vào hiệp 2, ở tất cả các trận đấu.

Vì thế, ngay sau khi BTV Cup kết thúc, Ban huấn luyện đã có kế hoạch về chuyến tập huấn 10 ngày tại Đà Nẵng để củng cố và nâng cao thể lực cho các cầu thủ. Đáng tiếc, đây là một quy trình huấn luyện bị xem là thiếu khoa học khi lẽ ra, việc rèn thể lực phải nằm trong giai đoạn thứ nhất của quá trình chuẩn bị.

Vào đúng ngày tập trung (8-11), tin về siêu bão Haiyan đổ bộ vào Đà Nẵng buộc kế hoạch tập trung phải thay đổi và toàn đội chuyển địa điểm tập huấn ra Hà Nội. Oái oăm thay khi bão Haiyan đã chệch hướng Đà Nẵng và di chuyển dọc biển, hướng ra Bắc. Do ảnh hưởng của thời tiết, Hà Nội có mưa khiến bài tập chiến thuật đầu tiên vào sáng 10-11 đã không được tiến hành như dự kiến.

Dù vậy, các tuyển thủ U-23 vẫn phải tuân thủ giáo án của Ban huấn luyện khi những ngày qua, họ vẫn phải “nuốt” một khối lượng tập luyện đáng kể với những bài tập nặng để tăng cường sức mạnh. Với điều kiện thời tiết như thế này ở Hà Nội, quá khó để đội tuyển U-23 hoàn thành trọn vẹn giáo án huấn luyện trong quá trình 10 ngày nâng cao thể lực.

Theo kế hoạch, ngày 18-11, toàn đội sẽ kết thúc đợt huấn luyện tại Hà Nội và vào Bình Dương. Tại đây, toàn đội bắt đầu quá trình điều chỉnh giáo án huấn luyện để chuẩn bị cho cuộc tranh tài ở SEA Games 27. Đồng thời, dự kiến đội tuyển U-23 Việt Nam còn có 2 trận đấu giao hữu với một CLB V-League và một đội hạng Nhất, thời gian dự kiến là vào ngày 22-11 và 24-11.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là dù được chuẩn bị từ sớm với những điều kiện tốt nhất có thể, nỗi lo vẫn đang rất lớn với các cầu thủ U-23 Việt Nam.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.