Không phải lần đầu tiên đội bóng đá U-23 bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Thế nhưng, thất bại tại SEA Games 27 lại mang đến một cảm giác cay đắng nhất. Bởi lẽ, phần lớn người hâm mộ đã dửng dưng trước việc thầy trò ông Hoàng Văn Phúc phải sớm làm khán giả!
Chẳng phải khán giả Việt không còn yêu đội tuyển nhưng với đội bóng đá U-23, thất bại tại kỳ SEA Games lần này gần như “cái chết được báo trước”.
Nỗi thất vọng của thầy trò ông Hoàng Văn Phúc (áo vàng) sau thất bại 1-2 trước Malaysia và bị loại từ vòng đấu bảng. Ảnh: NHẬT ANH |
Ngay từ rất sớm, ông Phúc từng tuyên bố: “Cánh cửa đội tuyển U-23 vẫn mở ra”, song thực tế không phải vậy. Thanh Hào, Hoàng Thịnh... chấn thương và Ban huấn luyện không có sự bổ sung nào cần thiết. Cho nên, tại Myanmar, có lúc ông Phúc than thở, do thiếu vắng một số trụ cột nên đội bóng của ông gặp khó khăn. Hay việc hậu vệ phải Thanh Hiền được kéo vào đá tiền vệ trụ trong trận gặp Malaysia được lý giải, do các tiền vệ đảm trách vị trí này đều chấn thương (?).
Phải chăng đó là sự ngụy biện khi thành phần này do chính ông Phúc và các cộng sự lựa chọn? Hơn thế nữa, thời gian tập trung đội tuyển U-23 quá dài để Ban huấn luyện có những sự điều chỉnh, bổ sung nhân sự cần thiết. Tuy nhiên, việc đóng khung lực lượng vô tình khiến HLV Hoàng Văn Phúc tự hạn chế năng lực vốn... còn nhiều hạn chế của mình.
Về con người cầu thủ, không thể tìm ra được một thủ lĩnh đích thực cho đội bóng U-23, theo kiểu Công Minh, Huỳnh Đức... trước kia hay gần nhất là Minh Phương. Vì thế, để có thể tiếp thêm “sức sống” cho lối chơi vốn nhàn nhạt của U-23 Việt Nam, dù muốn, cả Văn Quyết lẫn Vũ Minh Tuấn cũng không đủ khả năng đáp ứng kỳ vọng của ông Phúc.
Trong khi đó, lối chơi của U-23 được định hình ra sao vẫn là câu hỏi không có lời giải. Nếu bóng đá Singapore, từ đội tuyển cho đến U-23, đều chơi phòng ngự - phản công thì Malaysia và Indonesia tấn công hoặc phòng ngự tùy đối thủ và tình huống. Ngoài ra, ảnh hưởng của văn hóa Anh vào bóng đá khiến Singapore lẫn Malaysia đều triển khai chơi bóng dài, bổng thì Thái Lan và Indonesia vẫn chủ yếu dựa vào những miếng phối hợp nhanh, ít chạm kết hợp kỹ năng của từng cầu thủ để linh hoạt triển khai thế trận.
Vốn đã không có những “mảng”, “miếng” cần thiết, việc xây dựng đội hình chiến thuật của ông Hoàng Văn Phúc lại hết sức xơ cứng; đặc biệt trong những trận đấu, trong những thời điểm cần nhất sự linh hoạt…
Cho nên, việc bị loại ngay từ vòng bảng chẳng phải là bất ngờ với những người am hiểu. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển lại cho rằng, “đội nhà đã rời giải đầy tiếc nuối”!? Thậm chí, ông còn khẳng định: “U-23 có nhiều cầu thủ giỏi và có thể chơi tốt ở V-League”. Nhưng thử hỏi, trong 13 bàn thắng tại SEA Games 27, U-23 Việt Nam đã có được pha phối hợp nào như Chappuis và Sarawut thực hiện trong trận chung kết cùng Indonesia?
Cũng khó trách ông Phúc khi bóng đá Việt Nam chưa có một hạ tầng bền vững và một thượng tầng đủ tầm để định hướng và tạo dựng một nền tảng cần thiết. Để trả lời câu hỏi, “bóng đá Việt Nam, làm lại từ đâu?”, nhiều khả năng câu trả lời sẽ là: “Phải làm lại từ đầu”!
NGUYÊN AN