Chưa bao giờ đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam lại chịu nhiều khó khăn lẫn áp lực như lúc này, trong khi phải bước vào chiến dịch “đổi màu huy chương” tại SEA Games 27. Tuy nhiên, để có được tấm huy chương xem ra không hề đơn giản với thầy trò ông Hoàng Văn Phúc trong lúc này.
Mạc Hồng Quân (phải) vẫn nhận được sự tin tưởng của HLV Hoàng Văn Phúc trong hành trình chinh phục SEA Games 27. Ảnh: NGUYÊN HUY |
Không có đội hình ổn định, lối chơi ổn định, đội U-23 Việt Nam còn bước vào SEA Games 27 với sự chuẩn bị được cho là quá hời hợt. Điển hình là sự vắng mặt của trợ lý Nguyễn Văn Sỹ và tất cả chỉ được thông báo 24 giờ trước khi thầy trò ông Hoàng Văn Phúc lên đường sang Myanmar.
Ngay trong giai đoạn cuối của quá trình chuẩn bị, đội tuyển U-23 Việt Nam vẫn bị xem là “một đội tuyển nhàn nhạt”, theo cách nhìn của một chuyên gia kỳ cựu như ông Lê Thụy Hải. Bởi, ngoài “sức mạnh tinh thần”, U-23 Việt Nam còn có những gì, đủ để các đối thủ phải kiêng dè? Một tập thể không “thủ lĩnh”, thiếu hẳn những cá nhân đủ sức tạo đột biến và có khả năng làm thay đổi cục diện trận đấu cùng một ông thầy thiếu cá tính... là những hình ảnh tiêu biểu nhất của đội tuyển U-23 Việt Nam tại SEA Games 27.
Hẳn nhiên, điều này không hoàn toàn do lỗi của ông Phúc hoặc của các tuyển thủ U-23 Việt Nam. Đây là hệ lụy của một cách làm bóng đá thiếu căn cơ, không quan tâm nhiều đến chất lượng của công tác đào tạo trẻ. Hay nói cách khác, đó là lỗi hệ thống của bóng đá Việt Nam.
Ngoài một trung vệ Thanh Hào được đánh giá cao nhưng chưa hoàn toàn bình phục chấn thương, rõ ràng không thể vơi đi nỗi lo cho hàng phòng ngự khi thời gian không còn nhiều. Trong khi đó, khoảng cách giữa các vị trí chính thức và dự bị ở hàng tiền vệ vẫn còn quá lớn dù khu trung tuyến có quân số đông nhất với Văn Quyết, Mạnh Dũng, Văn Thắng, Danh Ngọc, Phi Sơn, Hoàng Thiên hay Vũ Minh Tuấn, Hải Huy, Thanh Hiền... Trên hàng tấn công, dù rất nỗ lực nhưng Mạc Hồng Quân và Hà Minh Tuấn chưa thể tạo được niềm tin cần thiết. Bởi lẽ, giá trị của một tiền đạo là số bàn thắng ghi được chứ không chỉ làm mỗi nhiệm vụ di chuyển không bóng, lôi kéo hàng phòng thủ đối phương và “nhường” việc ghi bàn cho các cầu thủ tuyến hai.
Với thành phần như thế, không thể không nói đến trách nhiệm của HLV Hoàng Văn Phúc khi ông thầy của U-23 Việt Nam vẫn chưa tạo được mối quan hệ tốt cùng HLV của các CLB. Từ đó sẽ có những ý kiến tham khảo khi HLV trưởng các CLB là người nắm rõ nhất năng lực của từng cầu thủ. Và chính họ sẽ tư vấn, đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho “thuyền trưởng” U-23 Việt Nam trong việc lựa chọn con người cũng như xây dựng lối chơi trên nền tảng con người ấy.
Dù ông Phúc khẳng định “sức mạnh tinh thần” là vũ khí lớn nhất của đội tuyển U-23 tại SEA Games 27, nhưng chừng đó xem ra vẫn quá ít cho một thành công mong muốn. Chưa kể, với “quyết tâm cao” và không được kiểm soát, khả năng việc nhận lãnh thẻ phạt như các trận đấu tập huấn vừa qua là điều hoàn toàn có thể với những học trò của vị HLV này.
Bất kỳ người hâm mộ nào cũng đang chờ đợi về một SEA Games thành công của đội tuyển U-23 Việt Nam, với mục tiêu vào tranh HCV tại Myanmar 2013. Song, cũng không nên quá kỳ vọng vào thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc vào lúc này khi các đối thủ của chúng ta đều có sự chuẩn bị không tồi cho mục tiêu chinh phục đỉnh cao của môn bóng đá nam.
NGUYÊN AN