.
ĐẠI HỘI LIÊN ĐOÀN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM (VFF) KHÓA 7 (2014-2018)

Hãy nói ít, làm nhiều

.

Những chờ đợi về một kỳ đại hội VFF thành công rồi cũng thành hiện thực! Bởi hầu hết nhân sự dự kiến vào các vị trí chủ chốt đều trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu khá “chuẩn” tại kỳ đại hội diễn ra ngày 25-3.

Trong đó, các chức danh chủ chốt như Chủ tịch, các Phó Chủ tịch lần lượt được bầu cho các ông Lê Hùng Dũng, Trần Quốc Tuấn, Đoàn Nguyên Đức với 60/62 phiếu.

Phối hợp với ông Đoàn Nguyên Đức, ông Lê Hùng Dũng (phải) có chèo lái để con thuyền bóng đá Việt Nam đi đúng hướng hay không?                                                                Ảnh: NGUYÊN HUY
Phối hợp với ông Đoàn Nguyên Đức, ông Lê Hùng Dũng (phải) có chèo lái để con thuyền bóng đá Việt Nam đi đúng hướng hay không? Ảnh: NGUYÊN HUY

Tuy nhiên, sự chờ đợi của tất cả không phải là các vị trí lãnh đạo của VFF mà đó là, cách làm của những con người mới để bóng đá Việt Nam phát triển căn cơ, bền vững.

Đã có những hứa hẹn vực dậy một V-League chưa đạt chất lượng; kiên quyết xử lý bạo lực sân cỏ; tăng cường công tác trọng tài, giám sát; đổi mới chiến lược xây dựng đội tuyển Việt Nam, thay cho cách làm “thời vụ” hiện tại… Đồng thời, công tác đào tạo trẻ cũng được nhắc đến song như ông Trần Văn Mui - nguyên Phó Chủ tịch VFF - thì, “không có bất kỳ chương trình hành động nào được các ứng viên nhân sự chủ chốt đưa ra để cụ thể hóa chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mà Chính phủ đã thông qua”. Và bộ máy mới cần có chương trình hành động với lộ trình, mục tiêu rõ ràng, thực tế.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi những người lãnh đạo mới của VFF cũng chỉ đưa ra những giải pháp “chung chung”, thay cho những định hướng cụ thể và có phân kỳ.

Ngay như ông Lê Hùng Dũng, dù thừa nhận “không lạc quan tếu” nhưng với cách nhìn nhận, đánh giá về lứa cầu thủ U-19 hiện tại, rõ ràng, vị tân Chủ tịch VFF quên rằng, nòng cốt của đội tuyển U-19 quốc gia vẫn là những thành viên của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Và với ông Đoàn Nguyên Đức, việc đào tạo cầu thủ trẻ là để bán cũng như phục vụ cho những mục tiêu của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chứ không chỉ làm nhiệm vụ quốc gia.

Trong khi đó, việc hỗ trợ công tác đào tạo trẻ cho bóng đá Việt Nam từ lâu nay, vẫn chỉ là “chuyện riêng” của các CLB. Sự tập trung đầu tư của VFF với Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ nhưng hiệu quả bằng không khiến “cái móng” của ngôi nhà bóng đá Việt Nam thường xuyên chông chênh. Đáng ngạc nhiên khi trong phát biểu mới nhất của mình tại đại hội, ông Lê Hùng Dũng lại hướng đến một quy trình ngược khi khẳng định, VFF sẽ nghiên cứu để Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ đào tạo nguồn nhân lực cho các CLB; thay vì, hỗ trợ cho các CLB để tạo một “mặt chân đế” rộng và có chiều sâu cho bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó, trách nhiệm của VFF ra sao với những trường hợp cầu thủ bị chấn thương khi làm nhiệm vụ quốc gia; bởi phần lớn, các CLB đều gánh chịu hậu quả!

Ngay trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt như tập trung đưa đội bóng đá nữ đến World Cup 2015, đội U-19 Việt Nam giành vé dự World Cup U-20, đội tuyển quốc gia thi đấu thành công tại AFF Cup 2014..., Ban chấp hành VFF khóa 7 đã không thể tạo được sự an tâm cho người hâm mộ. Bởi đó hầu như là những mục tiêu quá tầm với các đội tuyển Việt Nam khi việc xây dựng nền móng cho bóng đá nước nhà vẫn chưa được hoạch định và thực thi. Hơn nữa, với cách thể hiện ban đầu như thế này, quá khó để hy vọng vào một sự “đổi mới triệt để, toàn diện” như khẩu hiệu của đại hội VFF lần này!

BẢO AN

;
.
.
.
.
.