Cuối cùng, “trắng - đen” cũng đã tường khi chiều 29-7, Ban trọng tài tiến hành “mổ băng” để xác định đúng - sai do trọng tài Phùng Đình Dũng bị An Giang cho là xử ép. Ngược lại, “ông Vua áo đen” này vẫn khẳng định mình không sai.
Trong 2 trận đấu gần đây nhất, trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng (thứ 2, từ phải sang) bị phản ứng. Song, trong cả hai trận đấu này, trọng tài Phùng Đình Dũng điều hành công tâm và chính xác. |
Ngay sau khi “mổ băng”, Trưởng ban trọng tài (VFF) Nguyễn Văn Mùi khẳng định trọng tài Phùng Đình Dũng không thiên vị đội Than Quảng Ninh như ý kiến của An Giang. Ông Nguyễn Văn Mùi cũng đặt câu hỏi vì sao phía An Giang lẫn cầu thủ Felix hoàn toàn không có phản ứng gì khi cầu thủ này phải rời sân do nhận thẻ vàng thứ 2 (phút 37)? Sau đó, phút 77, trọng tài Phùng Đình Dũng tiếp tục truất quyền thi đấu của Văn Sang (An Giang), Huy Cường (Than Quảng Ninh) và cả hai đội cũng không phản ứng. Chỉ sau khi Than Quảng Ninh nâng tỷ số lên 2-1 (phút 69), trận đấu mới “nóng”, bắt nguồn từ lối chơi thô bạo của một số cầu thủ An Giang. Đến đây, mới xuất hiện “cái khó” mà những trọng tài Việt Nam luôn phải đối mặt!
Có mặt trên sân Long Xuyên (chiều 27-7), Trưởng BTC V-League Tanaka Koji cho biết, trọng tài chính “không quán xuyến hết trận đấu nên những phút cuối, đã bỏ sót lỗi của cả hai đội”. Song thực tế, khi điều hành các giải đấu, đặc biệt ở những giải nằm trong hệ thống chuyên nghiệp, các trọng tài phải thường xuyên biết cách “lái trận đấu” về đích, theo hướng “an toàn”. Ở trận An Giang - Than Quảng Ninh, theo ông Mùi, trọng tài Phùng Đình Dũng đã linh hoạt trong xử lý; bởi “nếu nghiêm khắc hơn, các cầu thủ An Giang còn phải nhận thêm nhiều thẻ” và “nếu đưa thêm 1 thẻ đỏ (với cầu thủ An Giang - PV) thì trận đấu sẽ bị đổ vỡ”.
Cứ nhìn ra sân cỏ thế giới và mới nhất là ở World Cup 2014, không ít trọng tài đã phạm những sai lầm chết người; thậm chí, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu song không một đội bóng nào, một cầu thủ nào dám phản ứng như ở sân cỏ Việt Nam. Vì thế, việc một đội bóng phải nhận nhiều hơn 1 thẻ đỏ trong một trận đấu cũng bình thường. Hay một đội bóng nếu phạm lỗi, vẫn có thể bị thổi phạt đền, dù đã bị dẫn với 4-5 bàn cách biệt.
Thực tế khẳng định sự am hiểu luật của các đội bóng, của từng cầu thủ ở mỗi trận đấu. Nó cũng cho thấy tính chuyên nghiệp của bóng đá các nước khi mọi thành viên tham gia đều chấp nhận luật chơi một cách nghiêm túc. Điều đó hoàn toàn khác với bóng đá Việt Nam.
Trong quá khứ, để che đậy những “vở diễn”, không ít đội bóng biến trọng tài thành “tâm điểm” cho những tranh cãi. Tại V-League 2014, ngay cả những trận đấu “có mùi” của Ninh Bình hay Đồng Nai, trọng tài cũng không tránh khỏi những phản ứng từ các đội!
Trở lại với đội An Giang, khởi đầu tệ hại khi chỉ có được 1 điểm sau 11 trận ở lượt đi là nguyên nhân chủ yếu khiến họ phải chấp nhận cầm “đèn lái” liên tục. Đáng tiếc, không nhận thấy những yếu kém chủ quan, phía An Giang lại liên tục viện dẫn những nguyên nhân khách quan, hoàn toàn không thuyết phục. Ở đây, có một chi tiết cần lưu ý, các cầu thủ An Giang cũng chẳng “lành” lắm khi đến sau vòng đấu 22, họ đã nhận đến 5 thẻ đỏ và 52 thẻ vàng; chỉ xếp sau QNK Quảng Nam và Hải Phòng!
Một lần nữa V-League lại cho thấy bộ mặt xấu xí của mình. Và nếu những nhà điều hành thiếu sự quyết liệt trong nỗ lực cải tổ bóng đá Việt Nam, tương lai bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là một bức tranh với quá nhiều mảng màu tối!
Bài và ảnh: BẢO AN