Từ thế anh cả, đội tuyển Việt Nam lúc này chỉ được xếp vào nhóm 1, nhờ tư cách đồng chủ nhà AFF Cup 2014 (cùng nhà vô địch Singapore).
Giấc mơ vô địch có thành với BĐVN dưới thời HLV Toshiya Miura |
Và không loại trừ, chúng ta sẽ chung bảng với Thái Lan (đương kim á quân) và “ông kẹ” Malaysia, hoặc nhẹ hơn nữa là Philippines (đội đã hạ đo ván chính tuyển Việt Nam ngay tại sân Mỹ Đình kỳ AFF Cup 2010, khi thầy trò HLV Calisto vẫn đang giữa chức vô địch), rồi Indonesia. Với việc chất lượng đội tuyển Việt Nam đi xuống nghiêm trọng như lúc này, bảng nào không là tử thần?!
Ngày nhậm chức, dù VFF không đưa ra chỉ tiêu cụ thể nào, nhưng HLV Toshiya Miura vẫn tự tin tuyên bố, ông sẽ giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2014. Thời gian sẽ cho câu trà lời thoả đáng! Liệu hoa anh đào có nở trên vùng đất mới ?
Cửa chính là "cửa tử"
Năm 2010, Việt Nam một lần nữa vào vai bảng trưởng giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cup), cùng với các đối thủ được đánh giá là khá nhẹ ký như Singapore, Myanmar và Philippines (đội bóng đã phải đấu vòng sơ loại). Thời điểm đó chúng ta đang là đương kim vô địch, bóng đá xứ sở lên cơn sốt chuyển nhượng, V-League được liệt vào loại “tốp”, sự ổn định cả về đội hình lẫn cabin BHL…, khỏi phải nói khí thế ngút trời như thế nào. Ít ai ngờ, đó lại là dấu hiệu của cơn đột quỵ không gượng dậy nổi.
Ngay sau khi vùi dập Myanmar với tỷ số 7-1 ở ngày khai mạc, quân ông “Tô” bị Philippines dội gáo nước lạnh với chiến thắng 2-0, chỉ bằng việc tận dụng triệt để những sai lầm của hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam. Không ai có thể nhận ra hàng phòng ngự chứ danh, với thủ lĩnh Như Thành chơi như ngái ngủ ở Mỹ Đình hôm ấy. Tuyển Việt Nam bị dồn vào thế chân tường và buộc phải thắng Singapore ở lượt trận cuối, mới chắc suất đi tiếp. Và Vũ Phong một lần nữa trở thành cứu tinh.
Dài dòng như thế để thấy rằng, đôi khi lợi thế sân nhà còn là “điểm mù”; những điều kiện hội tụ cần và đủ, thường khiến người ta trở nên u mê. Đội bóng của phù thuỷ Calisto lết vào bán kết (dù là với ngôi đầu bảng) và tất nhiên, nhanh chóng vỡ vụn trước Malaysia đầy toan tính. Ông giáo làng Rajagopal lần đầu tiên giúp bóng đá Malaysia lên ngôi vô địch sau khi tiếp tục thắng Indonesia ở 2 trận chung kết (lượt đi và về). Thành quả xứng đáng, sau khi người Mã đã giành HCV SEA Games 25.
Lần thứ 2 liên tiếp, HLV Calisto đầu hàng đồng nghiệp Rajagopal, trong những trận đấu mang tính sống còn: Một năm trước là thất bại cay đắng ở chung kết SEA Games trên đất Lào (2009), ngay sau đó là các trận bán kết AFF Cup 2010. Điều đáng nói, cả 2 lần thua mất mặt ấy của bóng đá Việt Nam đều để lại những dư vị không hay, khi những thông tin về việc một số cầu thủ đã “bán mình cho quỷ”. Đã không có cuộc điều trần nào, sau khi HLV Calisto chủ động rút lui.
Ông “Tô” đi, bóng đá Việt Nam chỉ còn lại những vết thương và tiếp tục rỉ máu kể từ sau những ngày giông bão ấy. Lần lượt Falko Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và ngay lúc này là Toshiya Miura lên thế vai (chỉ ký ngắn hạn), nhưng cuộc khủng hoảng trong cabin Ban huấn luyện ĐTQG vẫn chưa có biểu hiện dừng lại. Ngay lúc này, khi chỉ số niềm tin vào đội tuyển nói riêng và nền bóng đá nói chung đã xuống rất thấp, ít ai cho rằng, “cuộc cách mạng hoa Anh đào” sẽ thành công.
Kỳ tích 2008, tại sao không?
Như đã nhắc ở phần đầu bài viết, trong 2 năm liên tiếp, 2007–2008, bóng đá Việt Nam thu về những quả ngọt đầu tiên, kể từ sau vụ bán độ rúng động làng túc cầu ở SEA Games 2005 (Bacolod, Philippines). Tất nhiên, những nhà điều hành nền bóng đá có quyền hả hê và rằng, nếu chúng ta không làm quyết liệt, không làm triệt để tiêu cực bóng đá, với hàng loạt án điểm 2005 (trọng tài, quan chức CLB), sẽ không thể có ngày vinh quang. Tình huống vẻ như đang lặp lại với nền bóng đá Việt.
Nhiều tháng trước vòng chung kết AFF Cup 2014 diễn ra trên sân nhà, cơ quan điều tra đã đưa ra ánh sáng hàng loạt các vụ dàn xếp tỷ số (từ AFC Cup 2014 đến V-League 2014). Một số lượng đáng kể các trọng tài cũng dính nghi án và phần lớn trong số đó đều đang “nằm yên thở khẽ”. Không lâu sau khi các đối tượng thuộc biên chế V.Ninh Bình được trả về “nơi sản xuất” (sau thời gian bắt tạm giam phục vụ điều tra) chờ ngày ra toà, đã có thêm 6 cầu thủ Đồng Nai khác thế chỗ trong trại giam…
Người ta tin rằng, số lượng các cầu thủ tham gia đánh bạc và dàn xếp tỷ số các trận đấu ở V-League sẽ không dừng lại, nếu cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng, thay vì khoanh vùng, làm theo dạng án điểm. Quan chức bóng đá, các trọng tài, HLV, cũng có thể chịu liên đới, sau những cảnh báo của chính người trong cuộc có trách nhiệm. Cuộc chiến với tiêu cực (như đã và đang diễn ra) có thể còn được xem như chiếc đòn bẩy để tiến tới việc thông qua đề án cá cược hợp phái tại Việt Nam.
Trở lại với nền bóng đá và các giải đấu cấp “ao làng”. 6 năm trước, chức vô địch AFF Cup 2008 từng giúp một bộ phận không nhỏ trong xã hội cảm thấy lạc quan hơn, trong bối cảnh mà cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng lên đến đỉnh điểm. Bóng đá rõ ràng là chất xúc tác tốt, nhưng bất cứ lúc nào, nó cũng có thể khơi gợi nỗi đau, trở thành ám ảnh. Không ai trông chờ điều tồi tệ cả, dù thi thoảng, chúng vẫn xảy ra. Liệu HLV Toshiya Miura có khoả lấp được những tổn thương không?!
May mắn là một phần không thể thiếu trong bóng đá, và tình huống của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008 hay trước đó nữa là vòng chung kết Asian Cup 2007 trên sân nhà, là những ví dụ. Song, may mắn sẽ chỉ đến với những người biết nỗ lực và nỗ lực không mệt mỏi. Một điều chắc chắn rằng, nếu muốn trở thành đội bóng mạnh nhất (dù chỉ mạnh nhất Đông Nam Á, thông qua một giải đấu như AFF Cup), chúng ta phải thắng những đối thủ mạnh nhất. Vậy, tại sao cứ phải băn khoăn ?
TT&VH