.

Cơ hội làm mới bóng đá Việt

.

Tại hội nghị tổng kết mùa giải V-League 2014 và Hội thảo chuẩn bị mùa giải 2015 vừa diễn ra ngày 19-8, cả nhà tổ chức lẫn phía các CLB đã có những đồng thuận ban đầu về việc sử dụng cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch ở mùa giải mới.

Theo VPF, các đội bóng tranh tài tại V-League 2015 được đăng ký 3 cầu thủ ngoại nhưng chỉ 2 người được đăng ký trước mỗi trận đấu và được vào sân thi đấu. Đối với các đội dự tranh AFC Cup, sẽ được đăng ký với tiêu chuẩn 3+1 (3 ngoại binh và một cầu thủ ngoại mang quốc tịch châu Á). Mặt khác, các CLB thuộc V-League chỉ được đăng ký và sử dụng 2 cầu thủ nhập tịch nhưng từ mùa giải 2016, mỗi CLB chỉ được đăng ký và sử dụng 1 cầu thủ nhập tịch.

Với các đội bóng hạng Nhất, từ mùa bóng 2015, các CLB sẽ không còn sử dụng cầu thủ ngoại và được đăng ký cũng như đưa vào sân thi đấu chỉ 1 cầu thủ nhập tịch. Đối với các trận đấu thuộc Cúp Quốc gia, Siêu Cúp Quốc gia hay trận play-off giữa 2 đội bóng V-League và hạng Nhất, thành phần cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch được áp dụng theo quy định dành cho các đội hạng Nhất.

Hẳn nhiên, đây chỉ mới là những kiến nghị bổ sung vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và những nhà tổ chức sẽ trình lên VFF cùng ngành Thể thao để có những điều chỉnh và áp dụng từ mùa giải 2015; nhưng rõ ràng, đó là một tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam.

Từ lâu, các HLV đội tuyển quốc gia thường xuyên gặp những khó khăn trong việc xây dựng đội tuyển khi luôn than phiền thiếu những tiền đạo hoặc những trung vệ xuất sắc. Đơn giản, do yếu tố thành tích, hầu hết các CLB - cả V-League lẫn hạng Nhất -  đều tận dụng tối đa những quy định của VFF, VPF để xây dựng “trục dọc” hoặc ưu tiên các vị trí tiền đạo, trung vệ cho các cầu thủ ngoại.

Điều đó khiến các CLB không còn tập trung vào công tác đào tạo hoặc hiếm hoi sử dụng những tiền đạo hoặc trung vệ nội, dẫn đến không ít khó khăn cho HLV của đội tuyển quốc gia. Không những thế, bản thân các CLB cũng chịu những ảnh hưởng rất lớn về mặt tài chính bởi tiền “lót tay” lẫn mức lương, thưởng cho cầu thủ ngoại thường cao hơn nhiều so với một cầu thủ nội. Ngay cả những cầu thủ nhập tịch vẫn được ưu đãi về mặt quyền lợi, hơn hẳn cầu thủ nội. Đó chính là những bất cập kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam cũng như của từng CLB.

Điều này đã tạo “cơ hội” cho những CLB “bạo chi” dễ dàng tạo thế áp đảo với những đối thủ khác, dù Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng… chính là những trung tâm đào tạo trẻ đạt hiệu quả tốt nhất của bóng đá nước nhà. Cứ thử nhìn vào thành tích của những CLB xếp ở 3 thứ hạng đầu sẽ dễ dàng thấy được sự khác biệt so với SHB Đà Nẵng hay Sông Lam Nghệ An tại V-League 2014. Hay nhìn vào quy định tài chính dành cho các đội hạng Nhất ở mùa giải 2015 chỉ còn khoảng 15 tỷ đồng so với con số 20 tỷ đồng ở mùa giải 2014, bắt nguồn từ việc các CLB hạng Nhất không sử dụng cầu thủ ngoại ở mùa giải tới; cũng thấy được gánh nặng tài chính cho các CLB từng bước được giảm thiểu đáng kể.

Với những thay đổi ban đầu, người hâm mộ hy vọng, VFF lẫn VPF cũng sẽ có  những động thái quan trọng và tích cực hơn trong việc xây dựng quy chế sử dụng cầu thủ trẻ ở từng CLB tại 2 giải đấu hàng đầu hiện nay. Có như thế, bóng đá Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững!

BẢO AN

;
.
.
.
.
.