.

Về 'nhà mới', SHB Đà Nẵng nâng chỉ tiêu

.

Theo kế hoạch, tháng 12 này, Trung tâm thể dục thể thao SHB.Đà Nẵng sẽ hoàn thành những hạng mục cơ bản gồm nhà ở, sân tập. Khi đó từ đội 1 cho đến các đội trẻ của CLB SHB Đà Nẵng sẽ chuyển hết về đây để sinh hoạt, tập luyện.

Sân tập tự nhiên đã được trồng cỏ và chờ phủ xanh.
Sân tập tự nhiên đã được trồng cỏ và chờ phủ xanh.

Trung tâm thể dục thể thao SHB Đà Nẵng được quy hoạch xây dựng trên diện tích khoảng 20ha tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, với vốn đầu tư giai đoạn đầu hơn 700 tỷ đồng. Dự án do Ngân hàng SHB làm chủ đầu tư.

Được kỳ vọng như một học viện

Theo quy hoạch xây dựng, dự án là một quần thể công trình hiện đại và đồng bộ, gồm 1 SVĐ chính với 10.000 chỗ ngồi, 8 sân tập bóng đá, nhà điều hành, nhà ở VĐV, bể bơi 8 làn, khu vật lý trị liệu, trung tâm thương mại - thể thao - giải trí... Các hạng mục công trình này đáp ứng đầy đủ nhu cầu huấn luyện, đào tạo các tuyến cầu thủ cho CLB bóng đá SHB Đà Nẵng, được kỳ vọng như một học viện.

Được khởi công xây dựng vào ngày 16-12-2011, đến nay, Trung tâm thể dục thể thao SHB Đà Nẵng đang trong quá trình hoàn thành những hạng mục cơ bản, gồm 5 sân tập và 2 khu nhà ở cho VĐV. Theo quan sát của chúng tôi, hiện 2 sân tập mặt cỏ nhân tạo đã hoàn thành, sẵn sàng đáp ứng như cầu tập luyện. 3 sân tập cỏ tự nhiên đã được trồng cỏ và chỉ còn chờ mặt sân phủ xanh là có thể đưa vào sử dụng.

Riêng 2 khu nhà ở cho VĐV và trước mắt cũng là nơi làm việc của lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng, chúng tôi thực sự ấn tượng với quy mô hoành tráng và tiện nghi. Theo đó, khu nhà 3 tầng gồm 44 phòng dành cho các VĐV đội 1 ở và sinh hoạt; tầng trệt dùng để sinh hoạt chung gồm có phòng tập thể lực, phòng y tế, phòng xông hơi, bể sục, phòng thay đồ, phòng ăn.

Khu nhà 5 tầng gồm 87 phòng, dành cho các VĐV thuộc các lứa trẻ, cũng đầy đủ các phòng chức năng. Bên cạnh đó, khu nhà này còn được thiết kế xây dựng 2 phòng học văn hóa, 1 phòng Internet. Những ngày này, đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành những hạng mục phụ và cam kết đảm bảo đúng tiến độ để có thể đưa vào sử dụng trong tháng 12 năm 2014.

Theo thông tin từ lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng, các hạng mục trên đã tiêu tốn hết 300 tỷ đồng và nằm trong giai đoạn đầu của gói đầu tư 700 tỷ đồng. Giai đoạn tiếp theo (có vốn đầu tư 400 tỷ đồng) bao gồm sân tennis, bể bơi, khu vật lý trị liệu, trung tâm thương mại - thể thao - giải trí...  

Mục tiêu thu hút tài năng cả nước

Ngay từ ban đầu, nhà đầu tư đặt kỳ vọng Trung tâm này sẽ là một “học viện bóng đá” thu hút các tài năng trẻ trên cả nước về học tập. Rõ ràng đó không phải là kỳ vọng quá đáng bởi trung tâm được xây dựng theo mô hình học viện thể thao tiên tiến trên thế giới. Chưa hết, sau khi vận hành ổn định, trung tâm còn hướng đến việc hợp tác với các chuyên gia nước ngoài.

Hiện nay, các VĐV của CLB SHB Đà Nẵng đang ở tập trung tại Tuyên Sơn. Nơi đây chỉ có một sân tập mặt cỏ tự nhiên nên rõ ràng không thể đáp ứng nhu cầu tập luyện của đội 1 và các đội trẻ. Đội 1 SHB.Đà Nẵng chọn sân Chi Lăng để tập luyện và thi đấu. Trụ sở làm việc của CLB cũng đang đặt tại Chi Lăng. Tuy nhiên, sân Chi Lăng đã chuyển giao cho tập đoàn Thiên Thanh nên trong tương lai sẽ bị đập phá. Vì thế, việc Trung tâm thể dục thể thao SHB Đà Nẵng hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp đội bóng sông Hàn “an cư lạc nghiệp”.

Ông Bùi Xuân Hòa, Tổng GĐ Công ty cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong công tác quản lý VĐV khi chuyển về ở tập trung tại Trung tâm thể dục thể thao SHB.Đà Nẵng. Hơn nữa, với điều kiện sinh hoạt, tập luyện tốt tại đây, chúng tôi hy vọng các VĐV sẽ phát triển tốt”.

Cũng theo ông Hòa, sau khi chuyển về “nhà mới”, CLB SHB Đà Nẵng sẽ có kế hoạch để đào tạo trở lại 2 tuyến U11 và U13 đã buộc phải bỏ trước đó vì không có kinh phí.  

SHB Đà Nẵng lâu nay được biết đến là một trong những trung tâm đào tạo trẻ tốt. Hằng năm, bóng đá sông Hàn luôn đóng góp nhân tài cho các ĐTQG. Vì thế, khi Trung tâm thể dục thể thao SHB Đà Nẵng đi vào vận hành, hy vọng bóng đá Đà Nẵng, nhất là công tác đào tạo trẻ, sẽ phát triển mạnh và bền vững.

TT&VH

;
.
.
.
.
.
.