.

Chuyên nghiệp rất... nghiệp dư!

.

Tiếp nối những cái tên Hòa Phát Hà Nội, Sài Gòn Xuân Thành hay Kienlongbank Kiên Giang,
V. Ninh Bình cũng vừa chính thức tuyên bố giải thể. Đây là vấn đề không mới khi bóng đá Việt Nam chẳng khác… chợ phiên. Sau khi ra đời, những hy vọng về một VPF năng động, đủ sức thay thế VFF để làm nhiệm vụ nâng cấp nền bóng đá ọp ẹp ấy cũng sớm trở thành nỗi thất vọng.

Một góc sân Pleiku trước khi xảy ra tình trạng “vỡ sân” trong ngày khai mạc V-League 2015.		Ảnh: NGUYÊN HUY
Một góc sân Pleiku trước khi xảy ra tình trạng “vỡ sân” trong ngày khai mạc V-League 2015. Ảnh: NGUYÊN HUY

Quá nhiều quy định bất cập về kinh phí hoạt động của các CLB chuyên nghiệp là rào cản đối với những đội bóng “con nhà nghèo”. Và những đội bóng miền Tây như An Giang, Đồng Tháp… cảm nhận rõ nhất sự nghiệt ngã từ quy định ấy dù đây là một trong số những đội bóng biết làm bóng đá tử tế nhất. Ngược lại, cả VFF lẫn VPF sẵn lòng đón nhận những “ông bầu” dư tiền, lắm của, đến với bóng đá như một thú vui thời thượng.

Có lẽ vì thế mà từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam rồi vào thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Thụy liên tục mang cái “mác” Xuân Thành, gắn vào tên các CLB địa phương song cũng nhanh chóng “bỏ của chạy lấy người” chỉ sau một vài mùa bóng. Bởi lẽ, với những ông bầu này, bóng đá chỉ là cái cớ cho những toan tính đằng sau. Cho nên, cả VFF lẫn VPF hoàn toàn bất lực khi Xi-măng Xuân Thành dừng cuộc chơi giữa chừng tại V-League 2013.

Đồng thời, quyết định “xử phạt 100 triệu đồng và Xi-măng Xuân Thành phải chuyển xuống thi đấu hạng Ba từ mùa giải sau” cũng như “phạt 10 triệu đồng và cấm 5 năm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức đối với ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch Công ty CP CLB bóng đá Sài Gòn”, chẳng khác nào một trò đùa. Bây giờ, V. Ninh Bình cũng chỉ cần gửi văn bản đến VFF, VPF là có thể dừng cuộc chơi một cách nhẹ nhàng.

Gần đây nhất, một lần nữa VFF và VPF phải đối diện với một “ca khó” trước tình trạng “vỡ sân” trong ngày khai mạc V-League tại Pleiku. Háo hức khi những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lần đầu ra sân tại V-League, khán giả đã lũ lượt kéo về sân Pleiku để dự khán và đến giữa hiệp 1, sân Pleiku chính thức vỡ, buộc nhiều khán giả phải tràn xuống đường piste. Hẳn nhiên rất nhiều đội bóng chờ đợi một án phạt dành cho Hoàng Anh Gia Lai, đội bóng của ông Đoàn Nguyên Đức, đương kim Phó Chủ tịch VFF.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hường - Trưởng ban Kỷ luật VFF, Hoàng Anh Gia Lai sẽ không bị xử phạt nặng, không bị xử thua 0-3 vì “có tình trạng khán giả tràn xuống sân nhưng sự lộn xộn là không có. Tôi cho rằng, đây là lỗi của Ban tổ chức vì in vé quá nhiều…”.

Như vậy, theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhiều khả năng Ban tổ chức chỉ bị cảnh cáo và phạt tối thiểu 10 triệu đồng về vi phạm này. Tại V-League 2007, Thanh Hóa từng vỡ sân và đội bóng này bị xử thua 0-3 trước CLB Đà Nẵng cùng mức phạt 20 triệu đồng. Như thế, liệu có xảy ra tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” khi VFF không dễ “thổi còi” với đội bóng của ông Phó Chủ tịch VFF?

Với cách làm thiếu chặt chẽ và đầy cảm tính như hiện tại, dù là VFF hay VPF điều hành, bóng đá Việt Nam vẫn cứ chuyên nghiệp rất… nghiệp dư và việc bỏ giải hay vỡ sân lẫn vỡ giải là điều không khó xảy ra.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.