.
OLYMPIC VIỆT NAM - U-22 UZBEKISTAN: 0-0

Vẫn còn lo

.

Chưa xác định được bộ khung chính thức, lối chơi chưa được định hình rõ nét, dựa vào sự tỏa sáng của các cá nhân và chưa thực sự chủ động trước U-22 Uzbekistan (trong trận giao hữu chiều 14-3), thầy trò ông Toshiya Miura vẫn chưa thực sự tạo được sự yên tâm khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa, đội tuyển Olympic Việt Nam phải bước vào chiến dịch vòng loại U-23 châu Á 2016.

Đội tuyển Olympic Việt Nam (áo đỏ) cần hạn chế tối đa những khiếm khuyết sau trận giao hữu cùng U-22 Uzbekistan (áo xanh). 			                        Ảnh: NGUYÊN HUY
Đội tuyển Olympic Việt Nam (áo đỏ) cần hạn chế tối đa những khiếm khuyết sau trận giao hữu cùng U-22 Uzbekistan (áo xanh). Ảnh: NGUYÊN HUY

Dù ông Miura đã sớm tung bộ đôi tấn công của Hoàng Anh Gia Lai là Văn Toàn và Công Phượng vào sân từ đầu nhưng trong toàn trận, hầu như cả hai không có được những pha phối hợp nào mạch lạc và nguy hiểm, như khi cùng khoác áo U-19. Đồng thời, việc bố trí Tấn Tài đá bên cạnh Hùng Dũng trên hàng tiền vệ không mang lại hiệu quả khi bộ đôi này chưa thực sự trở thành nguồn cung cấp bóng cần thiết cho tuyến trên. Đến khi Tuấn Anh vào (thay Hùng Dũng từ đầu hiệp 2), khả năng tấn công của Olympic Việt Nam mới được cải thiện và có đường nét hơn.

Trong khi đó, theo chuyên gia Trịnh Minh Huế (cựu HLV Thể Công), việc HLV Miura bố trí Công Phượng thi đấu tự do không mang lại hiệu quả mong muốn. Theo thông tin hậu trường, duy nhất Công Phượng được chuyên gia người Nhật ưu ái cho phép chơi bóng cá nhân, thay vì thực hiện những pha bóng ít chạm, gắn với lối chơi tập thể nhiều hơn, như những đồng đội. Đáng tiếc ở trận đấu vừa qua, tiền đạo này thể hiện quá rõ sự ích kỷ, lạm dụng quá nhiều kỹ thuật cá nhân, dù chưa sắc nét. Vì thế, không khó hiểu khi phần lớn những màn “biểu diễn” của Công Phượng đều bị chặn đứng bởi lối chơi kín kẽ của hàng thủ Uzbekistan.

Mặt khác, ở trận đấu cùng U-22 Uzbekistan, hầu như các tuyển thủ Olympic Việt Nam lại quá lạm dụng những đường chuyền dài và bổng, vốn không phải là sở trường của chúng ta trước một đối thủ hơn hẳn về sức mạnh lẫn chiều cao. Không những thế, sự chính xác trong những đường chuyền dài vốn không cao; trong khi đó, dù chơi bóng khá thông minh nhưng Văn Toàn không phải là mẫu trung phong cắm, có khả năng tì đè để tận dụng những pha bóng dài hoặc “rót dầu” như thế.

Trong phòng ngự, Olympic Việt Nam cũng bộc lộ những khiếm khuyết khi có không ít đường chuyền sai hoặc mắc những lỗi vị trí chết người. Nếu Pavlenko không quá cầu toàn trong pha đối mặt cùng thủ môn Văn Phong ở phút 82 thì các cầu thủ khách đã có thể giành được một kết quả có lợi. Chưa kể đến pha “không chiến” thành công của tiền đạo này nhưng trọng tài khước từ bàn thắng cho U-22 Uzbekistan vì trợ lý trọng tài căng cờ báo việt vị.

Vẫn chưa thể đòi hỏi cao hơn đội tuyển Olympic Việt Nam khi đội quân của HLV Toshiya Miura vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Nhưng những bài học bổ ích sau từng trận đấu đã có. Vấn đề còn lại là việc các cầu thủ cần “học thuộc” để những khiếm khuyết lẫn sai lầm ấy không lặp lại. Và chắc chắn, đội chủ nhà Olympic Malaysia sẽ không nhập cuộc với tâm thế “hữu nghị” như Olympic Indonesia hay U-22 Uzbekistan khi cuộc đối đầu cùng Olympic Việt Nam (ngày 27-3) sẽ có giá trị quyết định cho chiếc vé đến Qatar vào năm tới.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.