.

Bóng Vàng thời… mất giá

.

Cuối cùng, danh sách những ứng viên của “Quả bóng Vàng Việt Nam 2014” cũng được công bố chính thức vào sáng 7-4, khi hai cầu thủ Hà Nội T&T Nguyễn Văn Quyết và Phạm Thành Lương phải cạnh tranh cùng cựu tiền đạo Sông Lam Nghệ An (SLNA) Lê Công Vinh để sở hữu danh hiệu cao quý này.

Dù không thực sự là cầu thủ xuất sắc nhất ở V-League 2014, Công Vinh (áo đỏ) vẫn là ứng viên sáng giá nhất cho danh hiệu “Quả bóng Vàng Việt Nam 2014”.               Ảnh: NGUYÊN HUY
Dù không thực sự là cầu thủ xuất sắc nhất ở V-League 2014, Công Vinh (áo đỏ) vẫn là ứng viên sáng giá nhất cho danh hiệu “Quả bóng Vàng Việt Nam 2014”. Ảnh: NGUYÊN HUY

Dù giá trị của giải thưởng cao quý này không giảm nhưng không khó để nhận thấy bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng nhân tài, khiến bóng Vàng bỗng trở thành… mất giá!

Các cựu tuyển thủ Trần Công Minh và Đỗ Khải từng khẳng định thế hệ của những tên tuổi này, việc tranh đua danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam luôn hết sức khó khăn. Bởi lẽ, thời kỳ ấy còn có những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Hữu Thắng… thi đấu cực kỳ ấn tượng trong cả màu áo CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Không những thế, dù giành được hay không danh hiệu cao quý nhất, tự thân mỗi cầu thủ đều phải nỗ lực nhiều hơn để mùa giải sau tốt hơn mùa giải trước.

Cũng như mỗi người phải hoàn thiện mình hơn nữa, xứng đáng với những lá phiếu đã bầu chọn. Và trong mỗi cuộc bầu chọn, những nhà báo thể thao hết sức khó khăn để tìm kiếm được người xứng đáng nhất cho danh hiệu Quả bóng Vàng.

Thế nhưng, dù với những cố gắng rất đáng trân trọng của Báo Sài Gòn Giải phóng - đơn vị chủ giải, cuộc bầu chọn danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam mùa bóng 2013 phải bị hủy bỏ, chỉ bởi những thất bại thảm hại của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Ở mùa giải 2014, việc lựa chọn những ứng viên cho danh hiệu cao quý nhất cũng hết sức khó khăn. Lần này, bóng đá Việt Nam quá hiếm hoi tài năng, đến độ dù chỉ cùng SLNA xếp hạng 5 V-League nhưng Lê Công Vinh cũng có tên trong danh sách cuối cùng của cuộc bầu chọn.

Hơn thế nữa, chân sút hiện tại của Bình Dương được xem là sáng giá nhất trong cuộc đua này. Trong khi đó, bất chấp việc thi đấu khá nổi bật trong màu áo Bình Dương và góp phần đưa đội bóng xứ Thủ Dầu Một đăng quang ngôi vô địch V-League 2014, tiền đạo Nguyễn Anh Đức vẫn bị loại khỏi danh sách những ứng viên cho vòng chung kết.

Hẳn nhiên, mỗi giải thưởng đều có những tiêu chí bầu chọn của riêng mình. Song, với danh sách rút gọn hiện tại thì dễ dàng khẳng định tính cạnh tranh cần thiết của Quả bóng Vàng Việt Nam đã bị giảm thiểu đáng kể.

Chỉ cần trở lại giải thưởng “Quả bóng Vàng Việt Nam 2012” với chủ nhân là tiền vệ SHB Đà Nẵng Huỳnh Quốc Anh cũng đủ thấy điều này. Chỉ cần “tương đối nổi bật” trong màu áo đội tuyển quốc gia - dù đội tuyển cũng thất bại ở nhiều đấu trường - và góp phần đưa SHB Đà Nẵng lần thứ hai lên ngôi vô địch tại V-League 2012, việc Quốc Anh giành danh hiệu không tạo sự ngạc nhiên đáng kể.

Để giải thưởng “Quả bóng Vàng Việt Nam” không giảm sút ý nghĩa và giá trị, không chỉ có sự nỗ lực của Báo Sài Gòn Giải phóng trong việc tổ chức bầu chọn danh hiệu hay của các cầu thủ trong luyện tập, thi đấu. Ngay cả VFF lẫn VPF cũng cần tạo được sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc điều hành, tổ chức V-League, nâng cao tính cạnh tranh ở các trận đấu, các giải đấu lẫn chất lượng đội tuyển quốc gia, đội tuyển Olympic. Có như thế mới hy vọng giải thưởng “Quả bóng Vàng” Việt Nam không bị... mất giá như lúc này!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.