Bóng đá Việt Nam

Bạo lực sân cỏ - vì đâu?

07:38, 18/09/2015 (GMT+7)

Những ngày qua, sau khi trung vệ Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An  - SLNA) có pha vào bóng khiến tiền vệ Trần Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) bị chấn thương rất nặng, dư luận đã “dậy sóng”. Sự phẫn nộ là dĩ nhiên. Song, vẫn có không ít ý kiến cảm thông, chia sẻ với cầu thủ của đội bóng xứ Nghệ.

Sau chấn thương khá nặng từ pha vào bóng của Quế Ngọc Hải, tương lai của tiền vệ Anh Khoa (ảnh) đang trở nên mù mịt.
Sau chấn thương khá nặng từ pha vào bóng của Quế Ngọc Hải, tương lai của tiền vệ Anh Khoa (ảnh) đang trở nên mù mịt.

Ở đây, tạm không bàn đến pha vào bóng “mang tính triệt hạ” từ Quế Ngọc Hải, như đa số khẳng định, và cuộc chơi nào cũng có luật. Vì thế, hãy cứ để cơ quan quản lý bóng đá đưa ra phán quyết cuối cùng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thử đi tìm những nguyên nhân để bóng đá bạo lực ngày mỗi bùng phát trên sân cỏ Việt Nam.

Đã 5 ngày trôi qua (tính đến ngày 17-9 - PV), sau pha phạm lỗi của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa, Ban Kỷ luật (VFF) gần như vẫn “án binh bất động”, dù đã có cuộc họp kéo dài đến 3 giờ vào ngày 16-9. Ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng ban Kỷ luật, lý giải rằng phải chờ đợi xác định chấn thương của tiền vệ Anh Khoa thì mới có thể quyết định mức án kỷ luật với Quế Ngọc Hải (!?). Đây là cách nói mang tính ngụy biện bởi nếu cần, Ban Kỷ luật vẫn có thể bổ sung mức xử phạt dù trước đó đã ban hành quyết định kỷ luật.

Trong trường hợp cụ thể này, dư luận có lý do lo ngại về cách xử lý theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”. Bởi lẽ, không chỉ là đội trưởng đội tuyển U-23, Quế Ngọc Hải còn là thành viên của đội tuyển quốc gia. Chính cách phản ứng của Ban Kỷ luật trước vụ việc này cũng phản ảnh một phần thái độ của VFF đối với bóng đá bạo lực.

Đây không phải lần đầu lối đá “chặt chém” được thi triển nhưng trong những năm qua, VFF luôn thiếu sự chủ động đề ra những định chế để hạn chế bạo lực sân cỏ. Chẳng hạn, buộc các CLB có cầu thủ vi phạm hoặc bản thân cầu thủ vi phạm phải chịu bồi hoàn toàn bộ kinh phí điều trị chấn thương cho nạn nhân. Ngay cả cầu thủ vi phạm, dù có chuyên môn nhưng kém về đạo đức, cũng không được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia trong bao nhiêu trận… Bên cạnh đó, cần khuyến cáo các trọng tài phải kiên quyết xử lý các hành vi, lối chơi bạo lực.

Dù Hội đồng Trọng tài quốc gia và nay là Ban Trọng tài quốc gia không ít lần yêu cầu các trọng tài không dung dưỡng bạo lực nhưng thực tế không như mong muốn. Không ít trọng tài e ngại sử dụng thẻ phạt, nhất là đối với cầu thủ chủ nhà. Một số lại hạn chế sử dụng thẻ phạt vì “muốn đưa trận đấu về đích an toàn”(?). Hơn thế nữa, hầu  hết các trọng tài sử dụng thẻ phạt theo kiểu “coi mặt, đặt tên” khi những tuyển thủ quốc gia hoặc những cầu thủ có “máu mặt” thường xuyên nhận được sự ưu ái. Từ sự “nuông chiều” ấy, các trọng tài đã góp phần để làm xấu bộ mặt của bóng đá Việt Nam, vốn chưa thực sự tốt đẹp!

Trong khi đó, không ít CLB và rất nhiều cầu thủ chưa có ý thức chuyên nghiệp thực sự. Đã có những so sánh về các trường hợp cầu thủ nước ngoài bị phạm lỗi với chấn thương nặng hơn Anh Khoa nhưng tất cả đều quên rằng, đa phần pha va chạm như thế chỉ là tai nạn. Ngược lại, trên sân cỏ Việt Nam, hầu hết đều bắt nguồn từ tư tưởng triệt hạ đối phương và chỉ tập trung ở một vài CLB, vốn có “truyền thống” với lối chơi “chém đinh, chặt sắt”. Khổ nỗi, vẫn có người biện minh rằng, những va chạm cũng xuất phát từ “lối chơi máu lửa, nhiệt tình của cầu thủ”.

Tuy nhiên, như chuyên gia Vũ Mạnh Hải khẳng định: “Giữa thi đấu máu lửa và thô bạo cách nhau một khoảng vô cùng mong manh” và khi thi triển lối chơi thô bạo, “bản thân cầu thủ cũng không tôn trọng nghề nghiệp của mình, không tôn trọng khán giả, không tôn trọng tinh thần fair-play của bóng đá”.

Vì thế, nếu không hạn chế được bạo lực sân cỏ, việc khán giả quay lưng lại với bóng đá nước nhà sẽ là tất yếu.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

.