.

'Thế hệ vàng' bóng đá Việt Nam, ngày ấy bây giờ: Cái nghiệp nó quấn lấy thân

.

“Tôi đã từng có ý từ bỏ, thậm chí là đoạn tuyệt luôn với bóng đá và thực tế, tôi cũng đã làm một công việc khác không liên quan, song rồi thì vẫn phải quay lại sân cỏ, làm cái nghề tay trái là huấn luyện các lớp bóng đá cộng đồng cũng như bóng đá phong trào. Nói là nghề tay trái, nhưng nó lại mang lại thu nhập chính để nuôi sống bản thân và gia đình”.

HLV Lê Huỳnh Đức là người thành công nhất khi chuyển sang nghiệp cầm quân trong lứa cầu thủ thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.
HLV Lê Huỳnh Đức là người thành công nhất khi chuyển sang nghiệp cầm quân trong lứa cầu thủ thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.

Trần Quan Huy, cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn và ĐT Việt Nam “thế hệ vàng”, đã chia sẻ với PV Thể thao & Văn hoá bên cạnh đường piste SVĐ Trung tâm Công an TP.HCM sau một trận bóng “phủi”.

Quan Huy thời còn thi đấu khá đa năng, từ vai trò của một chuyên gia thu hồi, chơi ở đáy chữ V trong sơ đồ 5 tiền vệ, với kỹ năng phát động tấn công từ xa rất hay, cho đến vị trí hậu vệ phải. Tiền vệ có cái cổ chân rất dẻo này từng đá SEA Games 18 ở Chiang Mai (Thái Lan năm 1995) và còn tham dự thêm một kỳ Tiger Cup sau đó (1996).

Chọn lọc tự nhiên

Trong số 40 cầu thủ thuộc “thế hệ vàng” (1995 – 1999) mà chúng tôi điểm lại, từng tham dự các kỳ SEA Games và Tiger Cup (tên gọi tiền thân của AFF Cup), cũng như bao cầu thủ cùng thời khác nhưng chỉ phát tiết tài năng ở cấp CLB, không phải ai cũng có hậu vận tốt, khẳng định tên tuổi ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp như những Huỳnh Đức, Minh Chiến, Văn Sỹ, Việt Hoàng, Đức Thắng… Một số đáng kể trong số họ, hiện phải làm thêm ngoài giờ, với các lớp bóng đá cộng đồng. Và Trần Quan Huy như đề cập, là một trong số đó.

Cần thống nhất luôn rằng, huấn luyện bóng đá cộng đồng không phải là hạ đẳng, thậm chí ngược lại, còn hữu ích hơn (về mặt xã hội) so với huấn luyện chuyên nghiệp. Xung quanh các sân bóng phong trào, cộng đồng và học đường, ngoài Quan Huy còn có Hồng Hải (Lâm Đồng, Công an TP.HCM và ĐT Việt Nam), Triệu Quang Hà, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Phẩm, Huỳnh Hồng Sơn… Trung vệ Hồng Hải sau khi kết thúc công việc ở Toyota Lý Thường Kiệt lại đến với các lớp bóng đá cộng đồng cùng cộng sự ở khu vực  quận Tân Phú, TP.HCM.

Trung bình cứ 50.000 cầu thủ trẻ ở đầu vào các Học viện bóng đá hay các lớp bóng đá cộng đồng ở Đức mới sản sinh ra được một Michael Ballack hay Mesut Ozil, Marco Reus và Thomas Muller… Nhưng ở các nền bóng đá vùng trũng như Việt Nam, tỷ lệ vươn đến sân chơi chuyên nghiệp thậm chí khoác áo ĐTQG cao hơn, có thể lên đến 30-40% so với số lượng đầu vào (U15). Đó đều là sự chọn lọc tự nhiên và nghiệp huấn luyện bóng đá cũng vậy. Không phải tất thảy “thế hệ vàng” và các danh thủ cùng lứa đều trở thành HLV chuyên nghiệp để dẫn dắt các CLB ở V-League và ĐTQG.

Bên cạnh sự chọn lọc tự nhiên, tính cạnh tranh ở môi trường huấn luyện rất khắc nghiệt. Không phải bất cứ ai hoàn thành đủ các lớp HLV đạt chuẩn, đều thành công, thậm chí là có cơ hội thành công. Cho đến thời điểm này, Phan Bá Hùng, cựu cầu thủ Công an TP.HCM, được cho là một trong những HLV có nhiều bằng cấp nhất Việt Nam (chỉ thua HLV Hoàng Anh Tuấn), nhưng chưa bao giờ có cơ hội làm bóng đá chuyên nghiệp, tất nhiên, chưa bao giờ thành công. Một chút duy tâm, thì xã hội phân công rồi. Như Nguyễn Hồng Sơn của Thể Công và ĐT Việt Nam chẳng hạn, đá bóng hay và tinh quái có thừa, nhưng Sơn lại không mê nghiệp HLV.

Và những câu chuyện

Cách đây vài năm, trong một dịp tình cờ V.Ninh Bình của cựu HLV Nguyễn Văn Sỹ (cũng thuộc “thế hệ vàng”) lên Đà Lạt (Lâm Đồng) để tập huấn, Văn Sỹ mới có dịp gặp lại thủ môn Ngô Việt Trung, đồng đội cũ trong màu áo ĐT Việt Nam trước đây. Việt Trung lúc ấy một vợ, hai con, nhưng chẳng nghề ngỗng gì. Thế là Sỹ tìm cách đưa người bạn thân trở lại với đời sống bóng đá, bắt đầu bằng việc xin cơ chế cho bạn đi học các lớp HLV và xin cả việc cho Việt Trung. Từ K.Kiên Giang, đến XSKT Cần Thơ và có thể sắp tới là Nam Định, công việc của Việt Trung gần như một tay Văn Sỹ dàn xếp.

Lại nói chuyện K.Kiên Giang. Sau khi đội bóng này giải thể, đội ngũ rất đông các cầu thủ mất việc, bị quỵt lương đã đành, đến các trợ lý HLV như Công Long (Bình Định và ĐT Việt Nam), Ngô Việt Trung cũng bị quỵt luôn. Buồn nhất có lẽ là Công Long, một cầu thủ tấn công đa năng và rất nổi tiếng, không những không có tiền trang trải gia đình, với con cái đang ở tuổi ăn, tuổi lớn, thậm chí còn không chốn dung thân, không có nơi để về. Giờ, sau các giờ lên lớp ngắn ngủi với bóng đá cộng đồng, Công Long đi cầm còi ở các sân bóng phong trào, khắp TP.HCM với thu nhập được hưởng là 80-120 ngàn đồng cho một trận đấu.

Khó, khổ và nhiêu khê, nhưng nó là cái nghiệp rồi, không dứt ra được. Và ở mọi ngõ ngách, hơi thở của đời sống bóng đá, chúng ta luôn bắt gặp rất nhiều những gương mặt gạo cội, những người hùng năm nao…, kẻ đạt vinh quang cũng có, người vật lộn với cuộc sống cũng nhiều. Đời cầu thủ, vinh quang đôi khi chỉ là cái trước mắt, còn hậu vận mới là điều đáng bàn. Thế nên, phải biết trân trọng.

Theo TT&VH

;
.
.
.
.
.