Sau hai trận thua liên tiếp tại vòng bảng, đội U-23 Việt Nam đã chính thức chia tay vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á 2016. Cũng từ hai trận thua này, rất nhiều ý kiến “quy tội” HLV Toshiya Miura, khi gần như xem vị chiến lược gia người Nhật này là nguyên nhân dẫn đến thất bại của bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, sẽ là bất công và cực kỳ thiếu sòng phẳng khi phủ nhận sạch trơn những gì mà ông Miura đã cố mang lại cho bóng đá Việt Nam.
Trong khoảng thời gian được trao quyền dẫn dắt đội tuyển quốc gia và đội tuyển U-23 ông đã phản ứng khi VFF bố trí cho các đội bóng của ông tập luyện trên mặt sân Trung tâm Đào tạo trẻ VFF không chất lượng, rồi cất công tìm mặt sân Viettel phẳng phiu hơn; cầm tay, chỉ việc cho từng cầu thủ; trực tiếp tìm “quân xanh” cho các học trò.
Hơn nữa, toàn bộ mục tiêu được đặt ra trước đó với VFF đều được ông và các học trò hoàn thành. Đến với vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á 2016 cũng có thể xem là một bước tiến đáng kể của bóng đá Việt Nam.
Những đóng góp của ông Miura cho bóng đá Việt Nam cần được ghi nhận đúng mức, thay vì bị phủ định sạch trơn như lúc này. Ảnh: NGUYÊN HUY |
Điều duy nhất mà rất nhiều người không đồng tình và thường xuyên nhắc đến, vẫn là lối chơi của các đội tuyển dưới quyền Miura. Nhưng liệu đó có phải là lỗi của ông, hay lỗi của một hệ thống đào tạo bóng đá Việt Nam? Và xa hơn nữa, lỗi của một nền bóng đá có quá nhiều khiếm khuyết?
Từ rất lâu, vấn đề đi tìm bản sắc cho bóng đá Việt Nam từng được đặt ra và không chỉ một lần. Nhưng để tạo nên một lối chơi có bản sắc, đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển dài hạn, có định hướng và hết sức khoa học.
Cách người Nhật hay người Thái làm bóng đá đều bền vững, căn cơ. Bất kể các CLB sử dụng hệ thống chiến thuật nào, lối chơi nào song trong công tác đào tạo nguồn cung ứng cho đội tuyển quốc gia, các CLB đều huấn luyện cầu thủ theo “đơn đặt hàng” từ giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá.
Để có được nguồn cung cấp nhân tài đủ về số lượng lẫn chất lượng, hệ thống bóng đá Nhật Bản hay Thái Lan đều có một nền tảng bền vững; thay vì theo hình chóp ngược của bóng đá Việt Nam khi có đến 14 CLB V-League nhưng “cái nền” chỉ là 8 đội hạng Nhất!
Chẳng những thế, trong hơn 20 năm qua, bóng đá Việt Nam, qua khá nhiều thời kỳ lãnh đạo vẫn chỉ nhăm nhăm một mục tiêu “thắng Thái Lan”, thay vì hướng đến một sự phát triển vững chắc cùng với nỗ lực vượt thoát ra khỏi “vùng trũng” Đông Nam Á.
Bởi lẽ, nếu biết cách tạo tiền đề để phát triển, vươn tầm; đồng thời, chúng ta cũng tạo dựng được cơ sở đánh bại người Thái từ đó. Với lối tư duy ấy, đừng mong bóng đá Việt Nam vươn tầm để sánh ngang người Thái.
Mặt khác, bóng đá Việt Nam có thói quen sớm thỏa mãn về một thành công, dù không bền vững. Một thời, chúng ta tự hào có V-League là giải đấu số 1 Đông Nam Á. Thế nhưng, từ năm 2007, khi người Thái bắt đầu sang Anh học cách tổ chức mô hình bóng đá chuyên nghiệp, mua luôn bản quyền tổ chức và quản lý để áp dụng cho Thái Lan với sự tư vấn của Sir Dave Richards - cựu Chủ tịch Premier League, bóng đá Thái Lan đã có một bước tiến rất dài.
Chỉ sau 8 năm, bóng đá Thái Lan đã có một cơ cấu ổn định với 3 cấp độ là Thai Premier League (18 đội), Division 1 (20 đội) và Regional Division 2 (83 đội). Để đến lúc này, không những Thai-League, mà cả Malaysia Super League hay giải Vô địch quốc gia Singapore cũng đều đang “qua mặt” V-League, cả về tài chính lẫn sức thu hút cầu thủ nước ngoài.
Đã đến lúc, những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam cần nhìn nhận đúng thực trạng để tìm ra những giải pháp cần thiết nhằm vực dậy nền bóng đá nước nhà đang sa sút. Hơn là biến HLV Miura thành “cái khiên” che chắn những yếu kém do chính mình tạo nên.
NGUYÊN AN