.
Vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á 2016

Không mong địa chấn

.

Rơi vào bảng D khá nặng với các đối thủ U-23 Jordan, U-23 Úc và U-23 Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), khả năng vào tứ kết với tư cách là một trong hai đội đầu bảng hầu như không dành cho thầy trò HLV Toshiya Miura.

Chỉ cần giành được một thứ hạng khả quan ở bảng D cũng đã là thành công của ông Miura (áo đỏ) và đội tuyển U-23 Việt Nam. 		                   Ảnh: NGUYÊN HUY
Chỉ cần giành được một thứ hạng khả quan ở bảng D cũng đã là thành công của ông Miura (áo đỏ) và đội tuyển U-23 Việt Nam. Ảnh: NGUYÊN HUY

Vì thế, khi vị “thuyền trưởng” người Nhật tuyên bố sẽ đưa đội tuyển U-23 Việt Nam giành quyền vào vòng tứ kết, không ít người phải giật mình.

Nếu so sánh với những đối thủ cùng bảng đấu, việc các học trò của ông Miura giành được điểm và kết thúc với vị trí thứ ba đã là một thành công. Cho nên, một khi chiếc vé vào tứ kết được các cầu thủ U-23 Việt Nam sở hữu, đó sẽ là một trận địa chấn giữa Doha (Qatar)!

Đánh giá về đội tuyển U-23 Việt Nam, HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Mai Đức Chung cho rằng: “Dù bảng D không phải là bảng “tử thần” nhưng các đội tuyển U-23 Jordan, Úc và UAE đều thuộc những nền bóng đá mạnh và phát triển hơn, nên việc U-23 Việt Nam có điểm cũng đã là rất khó.

Từng đá bại U-23 Iran đến 4-1 tại ASIAD 17 (Incheon, Hàn Quốc 2014) nên lúc này, U-23 Việt Nam không còn là “ẩn số” và các đối thủ sẽ không chủ quan trước đội bóng của ông Miura”.

Hay nói như HLV trưởng Thái Lan Kiatisak, sự hưng phấn của cầu thủ, chiến thuật hợp lý của HLV có thể giúp các cầu thủ bùng nổ và tạo bất ngờ thú vị ở một trận đấu nhất định; chứ không thể kéo dài mãi mãi.

Có thể thấy được, dưới thời HLV Miura, các cầu thủ Việt Nam - cả đội tuyển quốc gia lẫn đội tuyển U-23 - đã có những sự tiến bộ đáng kể về thể lực lẫn tinh thần thi đấu.

Thế nhưng, về lối chơi, phương pháp huấn luyện cũng như cách sử dụng con người của chuyên gia người Nhật này vẫn tạo nên sự ngờ vực với rất nhiều người, kể cả các chuyên gia. Một chuyên gia từng khẳng định: “Lối chơi của các đội bóng dưới quyền ông Miura là… không có lối chơi”! Bởi cả đội tuyển quốc gia nam lẫn các cầu thủ U-23 đều không thể hiện được rõ nét đấu pháp qua rất nhiều trận đấu.

Hay đó là cách ông thầy người Nhật vẫn tiếp tục nhồi thể lực cho cầu thủ, ngay trong những ngày đội tuyển U-23 đang tập trung tại Qatar. Thậm chí, những cầu thủ vừa bình phục chấn thương vẫn phải tập với cường độ cao, như các đồng đội.

Sự khác lạ của ông Miura còn ở chỗ, thường xuyên bố trí cầu thủ ở những vị trí trái sở trường mà gần đây nhất, trung vệ Mạnh Hùng (Sông Lam Nghệ An) đã phải tập luyện ở vị trí tiền vệ trung tâm, sau thời gian dài được bố trí thi đấu ở hành lang trái!

Hẳn nhiên, không thể “trăm dâu đổ đầu tằm” một khi ông Miura chỉ có chừng đó “nguyên liệu”! Bởi vấn đề của bóng đá Việt Nam nằm ở nền tảng xây dựng và phát triển chưa thực sự bền vững khi chúng ta thiếu một định hướng phát triển nghiêm túc và xây dựng căn cơ.

Các đội tuyển chỉ là sản phẩm cụ thể của một nền bóng đá èo uột và chỉ chuyên “ngắt ngọn”. Ngay cả thời HLV Calisto, chính ông thầy người Bồ Đào Nha từng giãi bày nỗi lo bởi không ít các tuyển thủ quốc gia vẫn chưa thuần thục những động tác cơ bản!

Có thể sẽ có những hy vọng bởi các cầu thủ Việt Nam từng đánh bại các đối thủ Tây Á hay việc U-19 Việt Nam từng vượt qua U-19 Úc và xem đó là cơ sở để tin tưởng vào một kết quả bất ngờ từ thầy trò ông Miura. Thế nhưng, tất cả đã là quá khứ và cần thực tế để nhận biết, vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á chỉ là cơ hội tốt để các học trò của HLV Miura tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành hơn và vươn lên trong tương lai.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.