Bóng đá Việt Nam

Vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á 2016, U-23 Việt Nam - U-23 Jordan (20 giờ 30 ngày 14-1, sân Suheim Bin Hamad)

Chỉ mong có điểm

08:23, 14/01/2016 (GMT+7)

Phát biểu sau lễ bốc thăm chia bảng vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á 2016 hồi tháng 9-2015, người quản lý đội tuyển bóng đá U-23 Jordan Maher AM Tumeh hầu như chẳng mấy quan tâm đến đội bóng đá U-23 Việt Nam khi chỉ xác định: “U-23 Úc là đối thủ khó chịu nhất tại bảng D. U-23 UEA cũng rất mạnh...”.

Việc giành được điểm trước U-23 Jordan trong trận đấu mở màn có thể được xem là thành công với đội tuyển U-23 Việt Nam.  Ảnh: NGUYÊN HUY
Việc giành được điểm trước U-23 Jordan trong trận đấu mở màn có thể được xem là thành công với đội tuyển U-23 Việt Nam. Ảnh: NGUYÊN HUY

Đây không phải là một phát biểu chủ quan, bởi nếu so sánh với U-23 Jordan, U-23 Việt Nam chỉ là một “tân binh” ở vòng chung kết U-23 châu Á. Ở vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á lần thứ nhất (2013), Jordan từng có màn trình diễn khá ấn tượng bằng việc đánh bại U-23 Hàn Quốc với tỷ số 3-2 trên chấm 11 mét, sau khi hai đội hòa nhau 0-0 trong trận tranh hạng ba.

Trước đó, Jordan từng chia điểm 1-1 cùng Hàn Quốc ở trận mở màn, trước khi vượt qua chủ nhà Oman (1-0) và đè bẹp Myanmar (6-1), giành quyền vào tứ kết với tư cách đội dẫn đầu bảng A.

Tại vòng tứ kết, Jordan tiếp tục tạo bất ngờ thú vị bằng việc loại UAE (1-0) và chỉ chịu dừng bước trước Saudi Arabia (1-3) ở vòng bán kết.

Để có mặt tại vòng chung kết U-23 châu Á 2016, Jordan lần lượt đánh bại Pakistan (5-0) và Kyrgyzstan (4-0) cùng trận hòa 3-3 trước Kuwait để giành ngôi đầu bảng đấu loại. Đặc biệt, trong trận đấu với Kuwait, Baha’ Faisal Mohammad đã lập hat-trick và cùng bàn thắng nâng tỷ số lên 3-0 ở trận đấu cùng Kyrgyzstan, cầu thủ 20 tuổi này trở thành tay săn bàn hàng đầu của U-23 Jordan.

Chuẩn bị cho vòng chung kết, đội bóng của HLV Jamal Abu Abed có hai đợt tập trung với 7 trận giao hữu. Trong đó, ở giải U-23 Tây Á, dù xếp cuối bảng A với kết quả một thắng (3-1 với Yemen) cùng hai thất bại (1-2 với Qatar và 0-1 với Palestin) nhưng đây không phải là mối bận tậm của Abu Abed bởi cái đích mà U-23 Jordan hướng đến là giải Bóng đá U-23 châu Á 2016, cùng với mục tiêu giành một trong 3 chiếc vé đại diện cho châu Á đến với Olympic Rio De Janeiro 2016 .

Trong giai đoạn cuối cùng trước khi đến Qatar, đội U-23 Jordan cũng đã có các trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên (thắng 1-0 và 2-1), thua Iraq (0-1) và thua Uzbekistan (1-2). Theo HLV Abu Abed, các học trò của ông đã thực hiện đúng yêu cầu chiến thuật ở các trận đấu vừa qua.

Qua đó, ông đã xây dựng được kế hoạch cho đội bóng của mình tại vòng chung kết lần này. Phát biểu trước thềm giải đấu, nhà cầm quân này khẳng định: “Tôi hài lòng với hiệu quả của quá trình chuẩn bị và hy vọng, các cầu thủ có thể thi đấu tốt tại vòng chung kết như từng thể hiện”.

So với các đối thủ, U-23 Jordan dựa vào lối chơi tập thể với kỷ luật chiến thuật được đặt lên hàng đầu. Lợi thế lớn nhất của Jordan còn nhờ vào tính gắn kết, do các cầu thủ có thời gian thi đấu với nhau từ khá lâu. Lối chơi của Jordan được xây dựng hợp lý bằng những đường chuyền ít chạm ở cự ly trung bình cùng khả năng di chuyển không bóng khá tốt.

Ngược lại, U-23 Việt Nam có quá nhiều biến động về con người cũng như chưa định hình được lối chơi. Vì thế, niềm tin dành cho HLV Toshiya Miura đang cạn dần. Chính điều đó vô hình trung khiến áp lực càng đè nặng lên đội tuyển U-23 Việt Nam.

Vì thế, chỉ với việc có điểm ở trận mở màn đã là một thành công với ông Miura và các học trò. Nếu đó là chiến thắng thì sẽ thành kỳ tích! Song, quá khó để chờ đợi điều này một khi sự chênh lệch về đẳng cấp là rào cản không dễ vượt với U-23 Việt Nam.

BẢO AN

.